Hãy khiến người ta mua sách vì cái bìa của bạn


Được thầy Đắc Thái “chỉ thị” viết nhận xét về đồ án bìa sách vừa qua của các bạn K24, lúc đầu tôi cảm thấy có chút áp lực khi trước mặt là một tập hợp số lượng bài làm nhiều chưa từng thấy, lòng thầm nghĩ có nhận xét gì thì cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” vì mình đâu có nắm hết nội dung, ý tứ của từng bài để có thể đánh giá một cách cẩn thận đàng hoàng. Tuy vậy, sau khi dành kha khá thời gian ngắm nghía toàn bộ, thì cũng không khó để nhìn ra những điểm được và những gì còn chưa trọn vẹn lần này. Lẽ dĩ nhiên, đây hoàn toàn là những cảm nhận cá nhân mang tính kỳ vọng của riêng tôi mà thôi.

Một cái kết đẹp trong thời khó khăn

Đầu tiên phải dành lời khen ngợi cho các bạn sinh viên và sự trân trọng đến các thầy cô hướng dẫn, phần nhiều trong số 94 tác phẩm đã phản ảnh rõ nét tâm huyết, sự nghiêm túc làm bài của trò và công sức chỉ bảo của thầy. Có những bài tốt đến mức khiến tôi không khỏi liên tưởng đến các đồ án tốt nghiệp năm cuối, trong khi các bạn ở đây mới chỉ năm hai, đặc biệt là kỹ năng vẽ và sự phong phú về đề tài thực sự gây ấn tượng.

Phong cách minh họa của các bài làm khá đa dạng, sớm cho thấy cá tính riêng của các bạn trong việc chọn lựa bút pháp, từ flat design cho đến mosaic, từ giả lập chì màu cho đến line art, từ tả thực đến phân mảng… đều có cả. Điều đó cho thấy sự tự do trong tư duy thẩm mỹ, là điều kiện cần thiết để làm nên những thiết kế độc đáo về sau. Các bìa sách như Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya (Lê Vy Vy); Hamlet (Nguyễn Hoàng Phi Yến); Kaguya (Hoàng Vương Thuận); Kafka Bên Bờ Biển (Tôn Nữ Lâm Thanh); Dám Bị Ghét (Lê Ngọc Diễm Quỳnh) là một vài trong rất nhiều bài có bút pháp riêng đáng được cổ vũ nhiều thêm.

Các bìa sách có sự lựa chọn chất liệu thể hiện minh họa khá đa dạng và hiệu quả

“Trông mặt bắt hình dong”, một điều dễ thấy là mức độ đầu tư công sức và chăm chút của các bạn cho bài vở của mình, không rõ các bạn có bao nhiêu thời gian để làm bài nhưng có thể nhận ra ngay ra những tác phẩm có sự nghiêm túc trong nghiên cứu, tìm tòi, phác thảo và thể hiện minh họa của mình như Nhiễm Hương Phiến (Lê Thị Diễm My); Eat Clean (Nguyễn Đăng Khoa); Macbeth (Nguyễn Bích Trâm)... đem đến kết quả rất khả quan. Bên cạnh đó, cũng còn một số bài cho thấy sự sơ sài, có phần cẩu thả, thường là do nước đến chân mới nhảy hoặc thiếu siêng năng làm bài (tác dụng phụ của học online chăng?!). Nói cho cùng, dù là hoàn cảnh nào, thì cũng phải tạo cho mình cảm hứng và tính tự giác làm việc mới mong đem lại thành tựu nào đó, đâu ai khác giúp được.

Nhiều bài làm tốt cho thấy thái độ nghiêm túc và nỗ lực thể hiện

Bên cạnh chất lượng bài, tôi cũng cực kỳ phấn khích khi thấy tên của các giáo viên hướng dẫn, có nhiều thầy cô mà tôi từng có dịp làm việc chung, quen biết hoặc nghe danh trước đây, đáng gọi là “dream team”: dày dạn tâm huyết bên cạnh trẻ trung tài năng, chính là yếu tố quan trọng đảm bảo cho chất lượng đồ án. Chắc hẳn các thầy cô đã vất vả nhiều khi hướng dẫn các bạn trong bối cảnh chuyển sang lớp học số, không thể tương tác trực tiếp với sinh viên của mình mà vẫn gặt hái được kết quả đáng mừng như vậy.

Vẫn còn có thể tốt hơn

Nếu hỏi tôi điều gì cần cải thiện nhất qua các bài làm, xin nói ngay đó là typo và dàn trang. Thật ra đó cũng là vấn đề “biết rồi khổ lắm nói mãi” của các thiết kế đụng đến chữ nghĩa. Đành rằng đây đồ án bìa sách nhưng có cảm giác là các bạn đã quá chú trọng vào việc minh họa mà xem nhẹ hoặc không dành đủ “đất diễn” cho phần typo, trong khi phần typo vốn có tầm quan trọng ngang ngửa 50 - 50 với phần hình ảnh trong việc tạo nên vẻ đẹp tổng thể của thiết kế sách. Nói không quá lời, đây là “bệnh” chung của sinh viên thiết kế các năm đầu. 

Tôi hơi bất ngờ là rất ít bài đợt này có ý thức chăm chút cho phần typo, đa số các đoạn văn, câu chữ trích dẫn được đặt đè lên phần hình ở bất cứ vị trí nào còn trống mà không có ý đồ thiết kế rõ ràng, việc chọn canh lề trái - phải - giữa cũng là lựa chọn ngẫu nhiên, máy móc dẫn đến hệ quả là phần chữ làm xấu đi phần hình, gây cảm giác nhồi nhét miễn cưỡng, nhiều chỗ hoàn toàn không đọc nổi trong khi đúng ra chúng phải kết hợp, tôn nhau lên: hình làm cho chữ đắt giá hơn và chữ làm cho hình ảnh thêm đủ nghĩa. Đúng ra, các bạn có rất nhiều cơ hội phô diễn ở chữ cái đầu câu, sự thay đổi kích cỡ, màu sắc, canh lề canh dòng và định hướng có chủ ý khi kết hợp với hình minh họa, để nâng giá trị thiết kế của bạn lên một mức cao hơn. 

Các bạn cũng đừng quên rằng kỹ năng đồ họa của mình có thể ứng dụng triệt để vào một trang sách chỉ thuần túy là chữ, thông qua việc đảm bảo kích cỡ, kiểu chữ tuân thủ tiêu chuẩn và đồng bộ xuyên suốt cuốn sách, chừa lề trên dưới trái phải, khoảng cách dòng, số trang và tiêu đề trang… tất cả đều cho thấy tay nghề và kinh nghiệm của người thiết kế sách cỡ nào. Kỹ tính tí nữa là phải đảm bảo hiển thị từ ngữ đầy đủ, không rớt từ vô nghĩa, không xuống dòng “mồ côi”, tựu chung là những kỹ năng cơ bản trong nghề mà thôi, nếu không phải là người thiết kế thì ai sẽ lo những việc đó?

Không nhiều thiết kế đợt này có phần trình bày chữ tương xứng với minh họa

Một tiêu chí quan trọng mà các bạn ít để ý và cũng khó kiểm soát đó là sự nhất quán trong phong cách thiết kế, thiết nghĩ chính vì vậy mà đầu bài đã yêu cầu các bạn không chỉ thiết kế bìa, mà còn thêm trang đôi, trang đơn và trang thả, để kiểm tra mức độ đồng bộ trong thiết kế và linh hoạt trong xử lý công năng từng trang ra sao. Do đó các bạn cần tính toán khéo léo, để bố trí thiết kế từng trang cho hợp lý, tạo được sự thú vị cho độc giả mà vẫn liền mạch, tránh tình trạng “không liên quan” giữa các thiết kế với nhau.

Tôi chắc chắn rằng những điều này cũng đã được các thầy cô truyền đạt đến các bạn rồi, nhưng như đã nói, khi sự chú tâm của các bạn đặt hết vào phần minh họa, các bạn sẽ không còn đủ thời gian và ý tưởng để chăm sóc thiết kế tổng thể đến nơi đến chốn, nên các thứ khác các bạn đành làm đại cho xong và công trình của các bạn trở thành “đầu voi đuôi chuột”. 

Minh họa ổn nhưng chữ nghĩa lại quá sơ sài

Nhận xét tiếp theo, tôi muốn nói đến nội dung của minh họa. Nếu chúng ta cùng đồng ý với nhau rằng minh họa là ngôn ngữ thị giác bù đắp cho sự trừu tượng của ngôn ngữ văn chương thì ý tưởng sáng tạo trong cách thể hiện của người thiết kế cũng rất cần thiết, cùng một nội dung miêu tả trong sách nhưng mỗi người thiết kế sẽ có giải pháp minh họa khác nhau, ngoại trừ các thể loại sách hướng dẫn thực hành. Cố gắng tái hiện đầy đủ những gì chữ nghĩa mô tả là cách dễ nhất, nhưng sẽ tốt hơn nếu hình minh họa thể hiện được những khía cạnh mà từ ngữ không diễn tả hết, khiến người đọc cảm nhận câu chuyện với một cái nhìn mới mẻ hơn, đặc biệt trong trường hợp phải làm mới những tác phẩm văn học kinh điển đã quá quen thuộc với độc giả.

Thiết kế bìa mới cho những tác phẩm nổi tiếng luôn là thách thức lớn

Một điểm cần lưu ý để có những bìa sách đẹp từ khâu thiết kế đến khâu sản xuất là phải có sự am hiểu tương đối về kỹ thuật in ấn và gia công thành phẩm. Một thiết kế bìa liền lạc giữa bìa trước - gáy sách - bìa sau và cả phần tai gấp luôn dễ cấn bế và khó thấy lỗi sai số hơn so với những bìa sách thiết kế ranh giới từng mảng tách biệt, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối trong in ấn và gia công thành phẩm, là một điều khó đạt được trong thực tế.

Thiết kế thiếu thực tế sẽ gây khó cho việc gia công thành phẩm

Còn gì không nhỉ, vẫn còn, một vấn đề không thật sự quan trọng nhưng cũng cần thiết, đó là cách thức trình bày bài. Thiết kế bìa sách chỉ có thể đánh giá toàn diện khi cầm thành phẩm trên tay, nhưng thiết nghĩ với tình hình dạy và học online như bây giờ, được ngắm nhìn thiết kế dưới dạng thức 3D vẫn thích mắt hơn là một file thiết kế phẳng “ba xôi nhồi một chõ” rất khó hình dung đúng không? Ngày nay luôn có sẵn rất nhiều source miễn phí trên mạng internet hoặc nếu siêng năng, bạn cũng có thể tự tạo một file Mock-Up.Psd cho riêng mình. Tôi mạn phép đề xuất Khoa và các thầy cô tạo điều kiện để các bạn tự do trình bày bài sao cho trực quan, hấp dẫn và qua đó cũng giúp các bạn luyện kỹ năng trình diễn thiết kế đối với khách hàng sau này. Nói cách khác, hãy khiến người ta mua sách vì cái bìa của bạn.

Trình bày thiết kế một cách trực quan luôn gây ấn tượng tốt hơn

Một lần nữa xin chúc mừng Đồ Án Bìa Sách của thầy và trò K24 vì kết quả tốt đẹp và nhân đây xin nêu một câu hỏi nhỏ cho các bạn sinh viên thay lời kết: khi thiết kế bìa, bạn có thắc mắc tại sao dòng chữ gáy sách được yêu cầu đặt theo chiều từ trên xuống dưới mà không phải ngược lại?!

HSTK Nguyễn Trọng Thái
Chuyên gia, HSTK, hiện đang sống làm việc tại Houston - Hoa kỳ. Thầy đã có hơn 20 năm làm việc trong các tập đoàn quảng cáo đa quốc gia tại Viêt Nam và cũng có rất nhiều kinh nghiêm trong lĩnh vực đào tạo ngành thiết kế đồ hoạ tại các trường đại học tại TP.HCM .