Workshop "Kỹ thuật nhuộm tự nhiên" cùng khách mời Lê Võ Sơn Quân.


Ngày 27/4/2022, khoa Mỹ thuật và Thiết kế đã tổ chức workshop "Kỹ thuật nhuộm tự nhiên" tại Cơ sở 3, trường Đại học Văn Lang cho sinh viên K26 trải nghiệm các phương pháp nhuộm từ thực vật. Workshop tập trung vào hai cách nhuộm là nhuộm chàm của Yoshizawa - một người Nhật sống tại Hà Nội, là nghệ nhân nhuộm Shibori (một kỹ thuật nhuộm thủ công của Nhật Bản) và cách thứ hai là eco-printing.

Khách mời trong Workshop lần này là anh Lê Võ Sơn Quân - một trong hai nhà sáng lập của công ty Mộc Nhiên, anh đem tới Workshop những loại thực vật có thể dùng để nhuộm eco-printing từ chính khu vườn nhà anh, gồm có: lá bạch đàn, lá dương xỉ, hoa sun, lá bông vải và một số ống trúc hỗ trợ nhuộm.

Bên cạnh đó anh mang tới thêm đường, phèn nhôm, phèn sắt, vôi, nồi áp suất để sử dụng trong quá trình nhuộm vải.

 Workshop tạo được ấn tượng và cảm hứng cho sinh viên ngay từ khi thông tin được đưa ra. Tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức, phân công nhiệm vụ, làm cho sinh viên có một cái nhìn vừa khái quát vừa cụ thể về quy trình làm việc và đích đến sản phẩm cuối cùng của mình. Sinh viên được chia thành hai nhóm, mỗi nhóm làm một phương pháp nhuộm khác nhau theo sự hứng thú của từng bạn cho từng phương pháp. Trên thực tế, mỗi bạn sinh viên đều làm cả hai phương pháp và có nhiều sản phẩm thú vị để mang về.

Khách mời Lê Võ Sơn Quân (áo đen) đang giới thiệu cho sinh viên về các kỹ thuật nhuộm tự nhiên và quy trình Workshop.

Khách mời giới thiệu cho các bạn sinh viên về những nguyên liệu được sử dụng trong ngành nghề thủ công này và sự liên quan đến thổ nhưỡng và từng mùa sẽ cho ra những màu vải nhuộm khác nhau

Nhóm các bạn sinh viên lựa chọn phương pháp Eco-dyeing đang sắp xếp lá cây và hoa lên tấm vải đã được nhúng phèn nhôm/phèn sắt tuỳ vào sự lựa chọn màu sắc sáng/tối.

Nhóm sinh viên lựa chọn phương pháp Eco-dyeing rất hứng thú tạo ra những hoạ tiết của riêng mình.

Bước tiếp theo của phương pháp Eco-dyeing sau khi lá cây và hoa được trải trên tấm vải sẽ được cuốn quanh một ống trúc và được cột chặt bằng dây dừa để phát huy tối đa sự ra màu của các loài thực vật.

Sau đó những cuộn trúc cuốn vải được đem đi hấp trong nồi áp suất với thời gian là 30 phút đến 1 tiếng 30 phút để hoàn thành quá trình màu được thẩm thấu vào các sợi vải

Thành phẩm sau khi "ra lò" phương pháp nhuộm Eco-dyeing.

Sinh viên đứng vây quanh khách mời khi anh đang thực hiện phương pháp nhuộm chàm.

Không chỉ có sinh viên hứng thú với Workshop lần này, cô Lê Thị Thanh Nhàn - phó Trưởng ngành Thiết kế thời trang của Khoa Mỹ thuật và Thiết kế cũng cùng thực hiện phương pháp nhuộm chàm.

Toàn cảnh khu vực phơi thành phẩm sau khi nhuộm trong khuôn viên trường Đại học Văn Lang.

Sau khi quá trình nhuộm chàm về hấp eco-dyeing kết thúc, những tấm vải được giũ và phơi khô, sau đó giặt lại với nước lạnh và tiếp tục phơi khô là quy trình cuối cùng của kỹ thuật nhuộm tự nhiên trong Workshop.

Qua chương trình này, sinh viên, ngoài việc được trau dồi về kiến thức nhuộm tự nhiên không sử dụng hoá chất công nghiệp, còn rèn luyện được khả năng quản lý thời gian, làm chủ công việc và ứng xử với tập thể. Rất nhiều ý tưởng sáng tạo đã được các bạn sinh viên thực hiện tìm tòi học hỏi và hoàn thiện sản phẩm. Sinh viên cũng biết thêm nhiều kiến thức bổ ích về việc sử dụng phèn nhôm cho ra màu nhuộm sáng và phèn sắt nếu muốn nhuộm màu tối.

 Vẫn còn những hạn chế khó tránh do vấn đề thời tiết quá nóng bức ở Sài Gòn mấy ngày nay, nhưng các bạn sinh viên vẫn rất hứng thú cùng khách mời làm ra những hoạ tiết vải của riêng mình và duy nhất. Những bài học thu được sau Workshop là rất cụ thể với mỗi sinh viên.

 Khoa Mỹ thuật và Thiết kế gửi lời cảm ơn tới khách mời Lê Võ Sơn Quân và hẹn sẽ giữ liên lạc với nhau, để gặp lại trong những workshop tiếp theo, với niềm say mê được nuôi dưỡng từ workshop hôm nay.

Ngành Thời Trang