Thiết kế công nghiệp


Nền kinh tế phát triển, sự cạnh tranh của thị trường ngày càng cao, các doanh nghiệp hiểu rõ không phải dễ dàng để người tiêu dùng bỏ tiền ra để mua sản phẩm của mình sản xuất khi trên thị trường có hàng ngàn sản phẩm với tính năng như nhau. Ngoài chất lượng, công năng sử dụng, giá cả thì mẫu mã thiết kế của sản phẩm cũng là yếu tố rất quan trọng để người tiêu dùng quyết định có mua sản phẩm đó hay không?

Hiểu được điều quan trọng đó, các doanh nghiệp ngày càng chú trọng hơn vào khâu thiết kế sản phẩm để khi tung ra thị trường được người tiêu dùng đón nhận, tạo ra dấu ấn riêng của doanh nghiệp.

“Cung không đủ cầu” là câu nói vắn tắt cho thị trường nhân lực của ngành Thiết kế Sản phẩm hiện nay. Các doanh nghiệp, công ty hiện nay đều đang chú trọng nhiều hơn đến mẫu mã thiết kế của sản phẩm trước khi tung ra thị trường, cố gắng tránh đi vào lối mòn “thiết kế truyền thồng”. Đây là môi trường mở ra tiềm năng rất lớn cho ngành Thiết kế Công nghiệp. Họa sĩ Thiết kế Công nghiệp thường có mức thu nhập hấp dẫn, với mức lương khởi điểm từ 8-10 triệu/tháng và 10-15 triệu/tháng với người có kinh nghiệm 1-2 năm.

Ngành Thiết kế Công nghiệp (Thiết kế Sản phẩm) đòi hỏi người học luôn phải sáng tạo ra những điều mới mẻ từ những thứ quen thuộc trong cuộc sống

Học ngành Thiết kế Công nghiệp có gì thú vị?

Nghe có vẻ hơi xa lạ với mọi người, thế nhưng ngành Thiết kế công nghiệp hay còn gọi là Thiết kế sản phẩm công nghiệp lại rất gần gũi với cuộc sống con người. Nhìn xunh quanh nhà có thể nhận thấy các đồ vật chúng ta đang sử dụng như tivi, tủ lạnh, máy giặt, điện thoại di động… đều là những sản phẩm của Thiết kế công nghiệp.

Họa sĩ thiết kế công nghiệp là người áp dụng kĩ năng mỹ thuật và công nghệ hiện đại để tạo ra hình dáng, kích thước và màu sắc của sản phẩm. Nói cách khác là người nghiên cứu, sáng tạo hình thức sản phẩm dựa trên chức năng, đối tượng sử dụng và công nghệ sản xuất của sản phẩm đó. Nó quyết định “diện mạo” của sản phẩm công nghiệp, từ món đồ tinh vi như trang sức, cho đến những món đồ gia dụng hằng ngày và cả những thiết kế lớn như phương tiện giao thông, nội thất nhà cửa…

Nếu bạn yêu thích tạo ra những sản phẩm mới lạ, những sản phẩm của chính bạn, mang thương hiệu của bạn thì ngành Thiết kế Công nghiệp sẽ là ngành đáng để bạn quan tâm đấy!

Tố chất phù hợp để học ngành Thiết kế Công nghiệp?

Ngành thiết kế công nghiệp là ngành sáng tạo, người họa sĩ thiết kế phải luôn nghĩ ra những ý tưởng độc đáo, khác biệt và ưa mắt nhìn để sản phẩm được đón nhận. Vì thế, bạn muốn trở thành một họa sĩ thiết kế các sản phẩm công nghiệp cần những tố chất sau:

  • Khả năng sáng tạo và đam mê.
  • Khả năng về hội họa và thiết kế, có tư duy thẩm mỹ và biết nhìn nhận về cái đẹp.
  • Phải nhẫn nại và kiên trì để tìm tòi ra nhiều cái mới từ những cái cũ kĩ.
  • Nhạy bén để nắm bắt xu thế thị trường và sở thích của người tiêu dùng.

Học ngành Thiết kế Công nghiệp ở đâu?

Tại khu vực phía Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, có rất ít trường đại học đào tạo ngành Thiết kế Công nghiệp bậc đại học hệ chính quy như: Trường Đại học Kiến trúc Tp.HCM, Trường Đại học Văn Lang…

Các bạn cần tìm hiểu đề án tuyển sinh của mỗi trường, phương thức xét tuyển và tham khảo điểm trúng tuyến các năm gần đây để xét tuyển vào trường đại học phù hợp nhất với năng lực, kết quả học tập và kết quả thi THPT. 

KHI BẠN LÀ SINH VIÊN THIẾT KẾ CÔNG NGHIỆP VĂN LANG

 Ở Văn Lang, sinh viên được đào tạo theo định hướng ứng dụng, tất cả sản phẩm thiết kế công nghiệp của sinh viên từ đơn giản đến cầu kì, từ kích thước nhỏ đến kích thước lớn đều phải đáp ứng yêu cầu về tính công năng và thẩm mỹ. Mọi sản phẩm đều phải có khả năng sản xuất và phục vụ nhu cầu đời sống của con người.

Điểm nổi bật của ngành Thiết kế Công nghiệp tại Trường Đại học Văn Lang là gì?

Sinh viên ngành Thiết kế công nghiệp ở Văn Lang luôn được học song song giữa lý thuyết và thực hành. Ngoài những giờ học trên giảng đường thì xưởng sản xuất chính là nơi để các bạn thỏa chí sáng tạo. Trường Đại học Văn Lang thường xuyên đưa sinh viên đến tham quan, kiến tập tại các khu công nghiệp, xưởng thiết kế công nghiệp lớn của các doanh nghiệp như SYM, PJN, các xưởng gốm tại Đồng Nai…

Hằng năm, sản phẩm của sinh viên được triển lãm, mời doanh nghiệp tham quan, gửi tham gia cuộc thi chuyên ngành. Thiết kế của sinh viên được tiếp cận ngay với thị trường.

Chương trình học ngành Thiết kế Công nghiệp đào tạo những gì?

  • Giai đoạn học tập cơ bản: Với các môn tạo hình mỹ thuật, trang trí điêu khắc, nhân trắc học, phương pháp sáng tạo, và những môn học bổ trợ (Kiến thức về quảng cáo sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường…).
  • Giai đoạn trang bị kiến thức ngành: Kiến thức về thẩm mỹ công nghiệp, phối hợp tính năng ứng dụng của sản phẩm dựa trên những nguyên tắc: công năng, ergonomic; Hiểu biết về quy trình thiết kế sản phẩm, thể hiện sản phẩm trên các chất liệu: nhựa Composite, đất sét, gốm sứ; kiến thức thiết kế và thể hiện mô hình các sản phẩm gia dụng, công nghiệp, điện tử, phương tiện giao thông, hiểu biết về công năng, kiểu dáng trong từng thể loại sản phẩm ứng dụng.
  • Kỹ năng đồ họa để vẽ máy thật tốt.

Hoạt động phong trào của sinh viên ngành Thiết kế Công nghiệp tại Văn Lang?

  • CLB Bam Club (cấp Khoa) : Sân chơi nghệ thuật của sinh viên, đóng góp không nhỏ vào các hoạt động nghệ thuật cho Khoa.
  • Học kỳ 1 mỗi năm, Khoa sẽ tổ chức chương trình truyền thống với tên gọi “ Hoà Sắc”. Đây là một trong những chương trình lớn và đầu tư bậc nhất ở Văn Lang, thu hút sự quan tâm đặc biệt từ bạn bè các Khoa khác.

Cơ hội việc làm với sinh viên học ngành Thiết kế Công nghiệp?

Sau khi tốt nghiệp, Cử nhân ngành Thiết kế Công nghiệp có thể đảm nhận các vị trí:

  • Chuyên viên thiết kế sản phẩm thủ công và công nghiệp.
  • Giám đốc quản lý thiết kế sáng tạo.
  • Chuyên viên làm việc tại phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
  • Chuyên viên tư vấn sáng tạo và trình bày sản phẩm.
  • Người làm công tác giảng dạy liên quan đến thiết kế và mỹ thuật.
  • Trang trí không gian.
  • Thiết kế tương tác (thiết kế giao diện cho sản phẩm).
  • Thiết kế quảng bá sản phẩm…

Nhu cầu thị trường, xu hướng việc làm hiện tại với Cử nhân Thiết kế Công nghiệp?

Thị trường khát nhân lực Thiết kế Sản phẩm. Thử gõ từ khóa “Việc làm ngành thiết kế sản phẩm” trên Google, sẽ có khoảng 53.700.000 kết quả tìm kiếm trong 0,62 giây; truy cập các trang tuyển dụng uy tín như careerbuilder.vn, vietnamworks, jobstreet, bạn sẽ dễ dàng thấy thông tin tuyển dụng vị trí Thiết kế sản phẩm với mức lương khởi điểm từ 8-15 triệu đồng/tháng.

Doanh nghiệp săn đón ngay từ trên ghế Nhà trường. Nhiều năm gần đây, doanh nghiệp đến thăm hoặc tổ chức tham quan kiến tập hoặc tham gia góp ý buổi bảo vệ tốt nghiệp và tuyển nhân sự. Năm 2017, có 25/36 sinh viên ngành Thiết kế Sản phẩm Trường Đại học Văn Lang được tuyển dụng trực tiếp trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp.

Hằng năm Trường Đại học Văn Lang tiến hành khảo sát sinh viên sau 1 năm tốt nghiệp về việc làm. Kết quả khảo sát tháng 8/2019 đối với sinh viên ngành Thiết kế sản phẩm tốt nghiệp năm 2018 cho thấy 97.06% có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp, trong đó 35.29% có việc làm với thu nhập trên 10 triệu/tháng và 47.6% có mức thu nhập từ 8 – 10 triệu/tháng.

-------------------------------------------------------------------------------------------------

Mã ngành: 7210402

Thời gian đào tạo: 4 năm
Văn bằng: Cử nhân Thiết kế Công nghiệp
Tổ hợp môn: môn Vẽ năng khiếu nhân đôi

  • [1] Toán – Khoa học tự nhiên – Vẽ [H03]
  • [2] Toán – Tiếng Anh – Vẽ [H04]
  • [3] Ngữ văn – Khoa học Xã hội – Vẽ [H05]
  • [4] Ngữ văn – Tiếng Anh – Vẽ [H06]

--------------------------------------------------------------------------------------

Tham khảo Fanpage của ngành: