Tinh tế nghệ thuật tạo hình gốm tại Triển lãm Design Quốc tế 2020 của trường Đại học Văn Lang


Cách đây hơn hai năm, tại Gand Plaza – Hà Nội, cuộc triển lãm “Nghệ thuật gốm Hàn Quốc” được tổ chức với cuộc tham gia của nhiều trường phái gốm Hàn Quốc. Cuộc triển lãm nghệ thuật lần này do các nhà nghệ thuật đến từ Hiệp hội thiết kế Hàn Quốc – Trường Đại học HanDong Global University, Korea  và Trường Đại học Văn Lang cũng như nhiều nghệ nhân nghệ thuật khác của Việt Nam cùng nhau tạo nên sự đa dạng tác phẩm nghệ thuật tạo hình mỹ thuật và ứng dụng. Ta lại một lần nữa bắt gặp vẻ đẹp của gốm sứ Hàn cùng bên sự tinh tế của nghệ thuật gốm Việt trong “ICAD 2020” (International Conference on Art & Design) tổ chức tại Đai học Văn Lang Tp.HCM.

Là một quốc gia cùng tồn tại nhiều trường phái gốm đặc sắc từ lâu đời cho đến nay, các nghệ nhân xứ sở kim chi tỏa sáng khắp thế giới với các tác phẩm đa dạng của họ từ gốm nghệ thuật cho đến gốm dân dụng. Các làng nghề gốm Icheon và Onggi là hai làng nghề sản xuất gốm truyền thống lớn nhất tại Hàn Quốc. Nơi đây vẫn còn tồn tại những lò gốm củi nguyên sơ. Tiếp nối truyền thống dân tộc, các nghệ sĩ gốm Hàn thế hệ đàn anh như Kim Seong Tae đang ghi tên tuổi vào nghệ thuật gốm thế giới. Trong ICAD 2020, các nghệ nhân khác như Kim Nam Hun, Kim Yi Yeon, Lee Min Hee đã mang đến cho người thưởng ngoạn Việt Nam một cái nhìn tôn vinh đối với lĩnh vực nghệ thuật của cả hai quốc gia Việt Hàn – nghệ thuật từ đất mẹ.

Một góc triển lãm nghệ thuật tại triển lãm online ICAD2020

Từ thuở xa xưa, đất là nơi ta sinh ra, nuôi ta lớn lên; màu đất, hơi đất đã thân như không còn nhận ra sự hiện diện của đất. Đất dẻo mềm qua lò nung thô sơ của người thợ gốm, chìm trong lửa như thử thách gian truân. Những lò gốm với đặt trưng của cột khói to cao vút ấy gởi lên trời xanh những làn khói lan quyện trong trung không. Đất gởi chất nhờ lửa đỏ tôi luyện, chắt chiu cái hồn son cho người đời thành quả - đó là ý nghĩa gởi gắm trong tác phẩm của Kim Nam Hun. Khối gốm tác phẩm của nghệ sĩ Kim Nam Hun đã hình ảnh hóa ý niệm về ý nghĩa của nghề gốm dịu dàng và giàu giá trị biểu cảm trong cái chất nguyên sơ của nhiều màu đất gốm.

Nếu trong nghệ sĩ Kim, chất gốm hiện lên mộc mạc cho bản hòa ca ý nghĩa tạo hình nghề gốm cổ truyền thì ở nghệ nhân Lee Min Hee là sự tinh tế của màu men gốm Hàn Quốc. Gốm Hàn có nhiều dòng men ưu việt như men trắng, men nâu, men xanh lam phỉ thúy  v.v. thì màu men xanh ngọc chuyển sắc trong tác phẩm của nghệ sĩ Lee cho ta thêm chất cảm của men gốm Hàn. Trong phương diện tạo hình, màu men là một trong tứ tạo sắc gốm nhưng làm nghệ thuật, đạt đến bình diện nâng cái men ấy bằng cả tạo hình thanh tú thì tác phẩm đó trọn vẹn ý nghĩa hài hòa của nó. Tác phẩm của Lee Mmin Hee truyền cảm cho những người yêu sự thanh tao. Từng cánh hoa gốm mỏng tang vươn lên. Cái chất mộc của gốm lạ thay khi được khéo léo xử lý trong tạo hình lại trở nên run rẩy e ấp: Hoa từ đất tựu lại.

“Single-Use-Plastic Cup in 2525” là cách tác giả bày tỏ sự thể nghiệm của bản thân khi kể về câu chuyện môi trường của thời đại “ô nhiễm trắng"

Bắt gặp nét quen trong tạo hình lấy biểu cảm bởi dường cong hữu cơ tạo sự xúc động người xem ấy là một nghệ sĩ trẻ Việt – Man Thiện. Hình khối đơn sơ nhưng Thiện cho xem một cách nhìn gốm. Tác giả là một kiến trúc sư, tiếp cận nghệ thuật gốm như tiếp cận một chất liệu mới hứa hẹn nhiều đóng góp cho những giải pháp về vấn đề văn hoá trong thiết kế đương đại Việt Nam. Trong bối cảnh nghệ thuật thể nghiệm ngày một được chú ý, gốm thể nghiệm ở Việt Nam là một góc nhìn hẹp, đòi hỏi nhiều nhẫn nại trong sự dấn thân. Chất liệu gốm có tuổi đời gần xấp xỉ loài người. Gốm Việt Nam vốn là sự tự hào dân tộc đang dần bị mai một. Người trẻ tiếp xúc với gốm phải đối diện với sự đồ sộ về bề dày thành tựu của cha ông và sức ép đương đại của ảnh hưởng văn hoá đến từ những nước lận cận trong khu vực như: Trung Hoa, Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn chia sẻ rất nhiều nền văn hoá tiêu dùng sản phẩm và tác phẩm gốm sứ.

“Single-Use-Plastic Cup in 2525” là cách tác giả bày tỏ sự thể nghiệm của bản thân khi kể về câu chuyện môi trường của thời đại “ô nhiễm trắng" - sự ô nhiễm do việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Sự tiện lợi trong chất liệu đã khiến một chiếc cốc nhựa thay thế dần những chiếc cốc bằng gốm - vốn là vật dụng quen thuộc góp mặt trong những buổi trà đàm. Thử tưởng tượng sau 500 năm nữa, khai quật văn hoá một chiếc cốc nhựa đã thật sự phân huỷ hoàn toàn hay chưa? Tác phẩm thể hiện tính “bể dâu" trong sự vận chuyển đổi thay không ngừng của thời đại. Chất liệu gốm đất đỏ tráng men ngọc ở nhiệt độ hơn 1200 độ C, gợi tả sự bào mòn của kim khí gỉ sét trong dáng hình của một chiếc cốc nhựa không toàn vẹn. Đó liệu có thể là một tách trà khởi đầu câu chuyện của thời đại, văn hoá, môi trường và con người trong một diễn biến thời gian hư cấu hay không?

Tính thời đại của nghệ thuật thể hiện rõ nét nhất trong tác phẩm của Kim Yi Yeon. Tác phẩm là sự kết hợp giữa công nghệ tiến bộ 4.0 cùng với nghệ thuật gốm. Sự mới lạ trong kết hợp này đưa người xem vào thích thú. Nó hứa hẹn sự tham gia của kỹ thuật công nghệ vào nghệ thuật tạo hình từ nay, phù hợp với xu thế áp dụng thông minh - xử lý thông thái – sử dụng thông tuệ trong tương lai.

ICAD – một sân chơi cho nghệ sĩ và nhá thiết kế đến từ các nước trong khu vực, cũng là niềm tự hào nói riêng của Thầy, Trò, Trường Văn Lang. Sẽ còn hứa hẹn nhiều cuộc giao lưu nghệ thuật gốm và tác phẩm khác nữa trong 202x tiếp theo.

ThS. Nguyễn Thị Uyên Uyên - Giảng viên Khoa Mỹ thuật Công nghiệp

Trường Đại học Văn Lang


© 2024 Khoa Mỹ thuật & Thiết kế - Trường Đại học Văn Lang