Thiết kế linh vật đại diện trường đại học Văn Lang


 “Thiết kế linh vật đại diện trường đại học Văn Lang” - Đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên ngành Đồ họa Truyền thông Tương tác - khoa Mỹ thuật và Thiết kế

Mascos – nhân vật đại diện – hay còn gọi là linh vật  là một thuật ngữ dùng để chỉ cho bất cứ biểu tượng chính thức nào, cho bất kỳ cá nhân nào, động vật và các đối tượng, chủ đề nào mà mang lại sự may mắn, thông thường linh vật thường là động vật được nhân hóa với những đường nét phá cách ngộ nghĩnh, đáng yêu. Ở góc độ văn hóa thì Linh vật là những con vật huyền thoại hoặc có thật được linh hóa, được con người sáng tạo và sử dụng như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý tưởng và niềm tin tâm linh, tôn giáo.

Nhiều doanh nghiệp cũng chọn cho mình linh vật, đó là một chiến lược tốt. Nhiều biểu tượng linh vật mạnh mẽ đến mức chỉ cần nhìn đến hình ảnh linh vật, chúng ta lập tức liên tưởng đến thương hiệu. Linh vật là một phần không thể thiếu trong hệ thống nhận diện của của một thương hiệu.

Vì vậy sinh viên ngành Đồ họa Truyền thông tương tác trường đại học Văn Lang với hoạt động nghiên cứu khoa học đã có một nghiên cứu với đề tài “Thiết kế linh vật đại diện trường Đại học Văn Lang”.

Quang cảnh buổi xét duyệt đề cương - lầu 4, tòa nhà LV - Cơ sở 3 của trường

Chủ nhiệm đề tài là SV Đặng Nguyên Long, cùng với nhóm của mình dưới sự hướng dẫn của thầy Trần Quang Tri và ThS. Võ Ánh Xuân Thương.

Sáng nay ngày 8/08/2020 tại phòng Phú Quốc, cơ sở 3, trường Đại học Văn Lang Hội đồng xét duyệt đề tài Nghiên cứu khoa học Sinh viên đã thẩm định đề cương của đề tài. Nhìn chung Hội đồng có vài ý kiến về tính cấp thiết, nội dung và mục tiêu định hướng nghiên cứu của các bạn sinh viên. Hội đồng thông qua đề cương, và có một số yêu cầu: Viết rõ hơn về tính cấp thiết của đề tài, mục tiêu, phạm vi cụ thể, mở rộng đối tượng chứ không phải chỉ phụ huynh và học sinh phổ thông. Phần nội dung nghiên cứu nên chỉ rõ linh vật này có đặc tính gì: Học thuật, Năng động, Đạo đức… Tìm những đặc trưng nổi trội nhất. Nên giảm phần thuyết trình về in 3D, mà đưa ra nhiều phương án ứng dụng và chỉ rõ đề cương có ý nghĩ lý luận và thực tiễn của đề tài.

ThS. Lê Trường Bảo đọc quyết định thành lập Hội đồng của PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng nhà trường

Có rất nhiều lí do để thấy rằng việc NCKH quan trọng như thế nào đối với sinh viên. Không chỉ vì nó là một trong những tiêu chí có tính bắt buộc để xét xem bạn có được làm khóa luận hay không mà theo tôi nó còn vừa là một người thầy lại vừa là một người bạn đối với bản thân mỗi sinh viên. Là “người thầy” vì NCKH sinh viên là một sự sàng lọc và đánh giá nghiêm khắc, giúp sinh viên biết mình đang ở vị trí nào trên con đường chiếm lĩnh tri thức. Là “người bạn” vì trong quá trình tham gia thực hiện một báo cáo khoa học, sinh viên sẽ tự khám phá ra được rất nhiều điều lí thú và thực sự cần thiết, bổ trợ cho cả quá trình học đại học và thậm chí cả công việc sau này của mình. Bản thân việc NCKH không đơn giản là một việc quá nặng tính lý thuyết, sách vở mà quan trọng nhất là hình thành tư duy khoa học, logic và khách quan cho bạn, hình thành phản xạ trong nhận diện và giải quyết bất cứ công việc nào mà thực tiễn đặt ra.

SV Đặng Nguyên Long trình bày các ý tưởng của đề tài

TS Mã Thanh Cao – chủ tịch hội đồng thẩm định đề cương, đang góp ý

Trong thời đại hiện nay, đòi hỏi của xã hội ngày càng cao, qui luật đào thải diễn ra càng mạnh mẽ thì sinh viên nên coi đây như là một nhiệm vụ học tập để không còn phải than vãn mà nhanh chóng chấp nhận và đề ra kế hoạch học tập và nghiên cứu cho riêng mình. Hãy xem việc nghiên cứu khoa học cũng đơn giản và thú vị như một lần được thử sức và khám phá chính bản thân mình. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy đây không còn là một hoạt động để “đối phó” hay theo phong trào nữa mà là một bài “test” cho quá trình tự học của mình ở giảng đường đại học.

ThS Lê Trường bảo – Phụ trách ngành ĐH TTTT