“Mỹ thuật ứng dụng đang rất cần sự kết nối, chia sẻ để cùng phát triển, tạo ra những thiết kế sáng tạo, mẫu mã, sản phẩm có giá trị văn hóa – nghệ thuật có tính ứng dụng và trở thành hàng hóa trong tiêu dùng xuất khẩu”.
Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Trưởng BTC Triển lãm, Chủ tịch Hội đồng Tuyển chọn và chấm giải thưởng Thiết kế sáng tạo nhấn mạnh tại tọa đàm “Mỹ thuật ứng dụng của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - Thực trạng và giải pháp”, diễn ra ngày 15.10 tại Bảo tàng Hà Nội.
Vấn đề đang nằm ở thiết kế
Về tính liên ngành của mỹ thuật ứng dụng, họa sĩ Vi Kiến Thành nhận định, đây là lĩnh vực hoạt động cần có sự liên kết, phối hợp giữa người thiết kế và đơn vị sản xuất; giữa vùng nguyên liệu và nhà sản xuất, giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa thị trường trong nước và quốc tế.
Các chuyên gia nhấn mạnh vai trò của khâu thiết kế đối với các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng. Tại Việt Nam, khâu thiết kế vẫn đang gặp nhiều vấn đề. Họa sĩ Hồ Nam, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn và chấm giải thưởng sản phẩm ứng dụng dẫn chứng: “Tôi có dịp đến làng nghề Hạ Thái và được chứng kiến những nghệ nhân ở đây sản xuất tới 1.000 sản phẩm thủ công mỹ nghệ theo đơn đặt hàng từ nước ngoài nhưng khi nghiệm thu, họ chỉ lấy có khoảng 250 sản phẩm. Nhưng phải nói rằng, rất đáng ngạc nhiên về độ tinh xảo của những sản phẩm của các nghệ nhân Việt Nam”. Họa sĩ Hồ Nam cũng chỉ rõ vấn đề có nhiều sản phẩm được sản xuất từ mẫu thiết kế của nước ngoài, trong khi lại rất thiếu vắng những mẫu sáng tạo của các nhà thiết kế Việt Nam. “Chúng ta đang rơi vào tình trạng mang những mẫu mã từ nước ngoài về và gia công, khâu thiết kế đang bị coi nhẹ”, họa sĩ Hồ Nam chia sẻ.
Bên cạnh đó, cơ chế thị trường hiện nay đang tác động đến mối quan hệ giữa những người làm thiết kế (designer) và doanh nghiệp. Theo họa sĩ Phan Quân Dũng, Trưởng khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Văn Lang: “Mối quan hệ giữa những người thiết kế và doanh nghiệp là không thể tách rời nhưng chúng ta đang chứng kiến sự chồng lấn, tách rời, co cụm trong mối quan hệ này. Thực tế, doanh thu là yếu tố sống còn với các doanh nghiệp nên họ không thể chờ hàng tháng trời một nhà thiết kế tự đi thực tế và sáng tạo tác phẩm. Để khắc phục được điều này, một điều hết sức tai hại mà các doanh nghiệp đang làm là cho các nhà thiết kế ra hội chợ, ghi nhận những bản thiết kế có sẵn và cho họ tự “luyến láy” để biến thành tác phẩm của mình. Đây không khác gì hành động ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ”.
Họa sĩ Phan Quân Dũng cũng bày tỏ Hiệp hội Thiết kế cần làm tốt hơn vai trò của mình để liên kết những chuyên gia trong lĩnh vực này, tạo sân chơi lành mạnh cũng như giúp các nhà thiết kế có thể tự “bơi” trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
Nỗ lực đưa vào đời sống
Bên cạnh những vấn đề xung quanh khâu thiết kế, tọa đàm cũng thẳng thắn nhìn nhận lại khái niệm mỹ thuật ứng dụng. Đồng tình với quan điểm của họa sĩ Vi Kiến Thành về việc mỹ thuật ứng dụng có đặc thù liên ngành, họa sĩ Ngô Anh Cơ, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội nhận định, bản thân triển lãm lần này cũng đã chia ra 3 nhóm trang trí, thiết kế sáng tạo và thiết kế ứng dụng nên việc gọi tên mỹ thuật ứng dụng cũng không còn phù hợp bởi nó không bao quát hết những yếu tố nằm trong đó.
Họa sĩ Lê Ngọc Hân, nguyên cán bộ giảng dạy Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp cho rằng: “Thuật ngữ ứng dụng để chỉ những sản phẩm làm ra có thể ứng dụng được trong cuộc sống. Tưởng chừng, đây là khái niệm rộng nhưng thực chất lại đang bị bó hẹp và chúng ta tự phong thuật ngữ ứng dụng mang tính đẳng cấp. Mặc dù đang mang ý nghĩa rất đẹp nhưng khái niệm thủ công lại đang bị mọi người né tránh. Tôi đến Hà Tây cũ, chứng kiến những nghệ nhân sản xuất mây tre đan, những sản phẩm vô cùng tỉ mỉ, thể hiện trí tuệ và công sức của họ nhưng không hiểu sao chúng ta lại đang mặc cảm về tên gọi này”.
Đánh giá về tên gọi mỹ thuật ứng dụng trong đời sống mỹ thuật hiện nay, ông Lê Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng: “Thay vì cố gắng tìm tên gọi mới, chúng ta có thể tổ chức những triển lãm mang tính chuyên đề về mây tre đan, sơn mài, thiết kế... chứ không nhất thiết là chỉ có triển lãm này. Những triển lãm chuyên đề đó không nhất thiết phải lấy kinh phí từ Nhà nước mà có thể huy động từ xã hội hóa. Có như vậy, công chúng mới có cái nhìn toàn diện về những sản phẩm mỹ thuật công nghiệp có tính ứng dụng và yêu thích nó”.
Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề nhưng không thể phủ nhận rằng, triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4 đã có nhiều bước ngoặt lớn mang tính chuyên nghiệp. Khác với những kỳ triển lãm trước với nhiều sản phẩm đơn điệu, thậm chí copy từ mẫu mã của nước ngoài, kỳ triển lãm lần này đã để lại nhiều dấu ấn trong công chúng. Thay vì giậm chân tại chỗ như những lần trước, các nghệ nhân đã thật sự “bẻ lái” về tư duy làm nghệ thuật. Có thể kể đến những tác phẩm đoạt giải nhất như bộ cửa “Trung Hiếu môn” của Trần Nam Tước (Hà Nội), bộ đèn đan vẩy rồng, NNƯT Nguyễn Văn Tĩnh (làng nghề mây tre đan Phú Vinh, Chương Mỹ, Hà Nội). Đây đều là những tác phẩm được đánh giá mang đậm chất văn hoá dân tộc cũng như có tính ứng dụng cao trong đời sống. Chính những nỗ lực không ngừng nghỉ của những người trong cuộc đang làm mỹ thuật ứng dụng trở nên gần gũi hơn với đời sống.
Để người dân biết nhiều hơn đến những sản phẩm mỹ thuật có tính ứng dụng, các chuyên gia cũng đề xuất bên cạnh việc tổ chức triển lãm theo cách truyền thống, các tác phẩm cũng có thể được trưng bày trên không gian số.