Design Thinking Workshop “Đổi mới sáng tạo & Tư duy Thiết kế”


Theo chủ trương “Mục tiêu xây dựng chương trình đào tạo ngành thiết kế, giai đoạn 2020 – 2025 của Khoa Mỹ Thuật và Thiết Kế đã tổ chức Seminar vào ngày 29.6.2020 và mục tiêu định hướng của đại học Văn Lang “Cải tiến và đổi mới phương pháp giảng dạy nội dung chương trình dạy học” Khoa Mỹ Thuật và Thiết Kế đã tổ chức chương trình Coaching Workshop dành cho giảng viên với chủ đề “Đổi Mới Sáng Tạo & Tư Duy Thiết Kế” (Creative Innovation & Design Thinking) vào ngày 9-10/09/2020.

Chương trình là sự tích hợp hoạt động học thuật và hoạt động chia sẻ trách nhiệm cộng đồng thông qua hình thức gây quỹ. Cụ thể, với nội dung “Đổi Mới Sáng Tạo & Tư Duy Thiết Kế”, workshop đem đến cho giảng viên những góc nhìn mới mẻ và hiện thực về thực trạng ngành thiết kế Việt Nam nói riêng, ngành thiết kế khu vực và thế giới nói chung. Bên cạnh đó, workshop nhấn mạnh phương pháp Tư Duy Thiết Kế (Design Thinking) như một “công cụ” quan trọng và hữu ích mà giảng viên cần tiếp cận để có thể chủ động “giải quyết” các “vấn đề” trong giảng dạy lý thuyết thiết kế và thực hành đồ án.

Chương trình Workshop diễn ra trong 5 buổi làm việc với những nội dung:

Phần 1: PHẦN DẪN NHẬP - TÁC PHẨM HAY SẢN PHẨM?

  • Nhà thiết kế Việt Nam, bạn là ai?
  • Bạn ở đâu trong thị trường thiết kế thế giới và Châu Á?
  • Good design isn't decoration. Good design is problem solving.
  • For whom we design? Chúng ta thiết kế cho ai?
  • Cách mạng 4.0 và công nghệ ảnh hưởng thế nào tới nghề thiết kế?
  • Đi đâu, về đâu? Định hướng ngành thiết kế trong tương lai.

Phần 2: DESIGN THINKING: CÔNG CỤ ĐỔI MỚI VÀ SÁNG TẠO

  • Mini-Workshop dẫn nhập;
  • Tại sao là Design Thinking?
  • Quy trình tư duy thiết kế 5 bước (theo đại học Stanford, USA), kết hợp mô hình Kim Cương Đôi (double-diamond)
  • WS 01: EMPATHY - DEFINE PROBLEM
  • WS 02: IDEATE – PROTOTYPE
  • WS 03: TEST – FEEDBACK

Phần 3: DESIGN THINKING: GIẢI PHÁP CHO GIẢNG DẠY ĐỒ ÁN

  • Mini-Workshop: Áp dụng Quy trình tư duy thiết kế 5 để tìm ra và giải quyết vấn đề trong giảng dạy đồ án;
  • Thuyết trình & Thảo luận;
  • Tóm lượt, nhìn lại & Chia sẻ cùng giảng viên;
  • Trao chứng chỉ tham gia & Ảnh lưu niệm.

Thành phần tham dự: gồm 20 giảng viên 5 ngành của Khoa Mỹ Thuật và Thiết Kế

10 giảng viên ngành Đồ Hoạ

4 giảng viên ngành Đồ Hoạ Truyền Thông Tương Tác

3 giảng viên ngành Thời Trang

2 giảng viên ngành Nội Thất

1 giảng viên ngành Tạo Dáng Công Nghiệp

Các giảng viên được chia nhóm làm việc, chú trọng trao đổi thảo luận tìm ra đa góc nhìn từ các ngành. Từ đó, các nhóm có thể đưa ra các giải pháp có tính tổng hợp và liên ngành. Đây cũng chính là tinh thần của Design Thinking trong thời đại mới.

Workshop được diễn ra dưới sự hướng dẫn của diễn giả - chuyên gia về Tư Duy Thiết Kế, thầy Lê Duy Linh và chuyên gia về Đổi Mới Sáng Tạo trong chương trình FutureU, thầy Lê Viết Đạt, đều đến từ Arkki Asean - hệ thống nhượng quyền từ Arkki Phần Lan - học viện hàng đầu Châu Âu chuyên đào tạo tư duy thiết kế – design thinking, giáo dục đa bộ môn – STEAM và hệ thống kỹ năng Thế kỷ 21 dành cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Kết quả & Thảo luận: Trong workshop, với cách tiếp cận lý thuyết và thực hành phương pháp Design Thinking với mô hình Tư Duy 5 bước kết hợp Kim Cương Đôi, các giảng viên đã bước đầu nhìn nhận sự hiệu quả của “công cụ” tư duy mới mẻ này. Đây hoàn toàn có thể là “giải pháp” về phương pháp đặt vấn đề, phân tích và tổng hợp trong quá trình phát triển ý tưởng thiết kế, nhằm giải quyết hàng loạt những “đề bài” phát sinh từ nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội nói riêng, và của con người nói chung.

Thầy Nguyễn Đắc Thái, đại diện ngành Thiết Kế Đồ Hoạ nhận xét rằng: “Workshop cung cấp một góc nhìn mới về quy trình sáng tạo cũng như phương thức trình bày ý tưởng một cách thuyết phục. Design Thinking có thể giúp sinh viên có phương pháp tư duy hệ thống, lập luận có cơ sở để tìm ý tưởng và từ đó đề xuất giải pháp thiết kế phù hợp.”

Cô Hồ Thị Thanh Nhàn, đại diện ngành Thiết Kế Nội Thất nhận xét rằng: “Lần đầu tiếp xúc với khái niệm Design Thinking, mình nghĩ “nó” như một phương pháp luận sáng tạo liên quan trực tiếp đến ngành thiết kế (design), nhưng sau khi tham gia mới biết Design Thinking có thể vận dụng vào vô vàn lĩnh vực, và thật sự hữu ích khi tư duy giải quyết bất kỳ vấn đề gì. Giảng viên có thể áp dụng Design Thinking để thấu hiểu nhu cầu của sinh viên hơn để thay đổi dần từ phía người dạy. Design Thinking có thể góp mặt để phát triển và xây dụng chương trình học của ngành.”

Thầy Trần Quang Tri, đại diện ngành Thiết Kế Đồ Hoạ Truyền Thông Tương Tác nhận xét rằng: “Design Thinking giúp sinh viên có thể tự lên ý tưởng và chủ động nghiên cứu để tìm ra ý tưởng, tránh việc “bị art block". Đồng thời Design Thinking cũng giúp sinh viên “re-check” những “ý tưởng xuyên không gian và thời gian” để xác định lại mục tiêu chính của project. Nhờ đó, giảng viên được giảm tải rất nhiều áp lực trong việc hướng dẫn sinh viên tư duy có cơ sở, và tập trung truyền tải tư liệu cần thiết kích thích sinh viên trải nghiệm sáng tạo nhiều hơn...”

Cô Nguyễn Thị Uyên Uyên, đại diện ngành Thiết Kế Tạo Dáng Công Nghiệp nhận xét rằng: “Design Thinking giúp sinh viên nhận diện được bản chất vấn đề và hiểu được mình đang hướng đến việc giải quyết điều gì, khía cạnh nào - điều mà trong quá trình say mê động não (brainstorm) sinh viên có thể “đi lạc”...

Tuy nhiên, Design Thinking không phải là một phương pháp tuyệt đối. Thầy Trần Quang Tri có phản biện rằng: “Design Thinking còn một vài yếu điểm như: phải thật sự thuần thục mới có thể đáp ứng kịp thời deadline trong ngành Đồ Hoạ Truyền Thông Tương Tác vốn chịu nhiều áp lực sáng tạo mới trong khoảng thời gian rất cạnh tranh. Thêm nữa, việc lên ý tưởng nhóm cần “sự đồng hành” giữa các thành viên nếu không có thể gây ra tranh cãi lớn không tốt cho công việc tập thể, bấy giờ kỹ năng làm việc nhóm thật sự rất quan trọng!”

Cô Lê Thị Thanh Nhàn, đại diện ngành Thiết Kế Thời Trang nhận xét rằng: “Design Thinking nên được phổ cập thành một công cụ mà cả giảng viên và sinh viên đều nắm rõ và “dùng” được và tuỳ trường hợp cụ thể mà áp dụng trong đồ án, đề tài và vấn đề thiết kế cụ thể... Design Thinking không nên hiểu như một quy trình cứng nhắc sẽ khiến người thiết kế không linh hoạt và ứng biến trong đặc thù của Thiết Kế Thời Trang - vốn dĩ “problem” chính là áp lực luôn phải “design new things”.

Kết luận:

Chương trình coaching workshop với chủ đề “Đổi Mới Sáng Tạo & Tư Duy Thiết Kế” (Creative Innovation & Design Thinking) đã đem lại sự thay đổi tích cực cho giảng viên trong cách tư duy về phương pháp tiếp cận và giải quyết các vấn đề trong thiết kế nói chung và giảng dạy nói riêng, hướng đến những sự cải tiến và phát triển trong phương pháp giảng dạy ở các môn học. 

Toàn thể giảng viên tham dự chương trình đều nhận được chứng nhận tham gia (được xác nhận bởi Ban Giám Hiệu) và hy vọng sẽ có nhiều chương trình đào tạo và hoạt động coaching nữa sẽ được tổ chức trong tương lai.

Trân trọng tri ân sự hỗ trợ và tạo điều kiện đến từ:

  • Ban Giám Hiệu trường Đại Học Văn Lang
  • Phòng Đào Tạo trường Đại Học Văn Lang
  • Ban Chủ Nhiệm Khoa Mỹ Thuật và Thiết Kế
  • Arkki Asean (thầy Lê Duy Linh và thầy Lê Viết Đạt)
  • Quỹ Thư Viện Ước Mơ (cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung và cô Cổ Huệ Anh)

Đặc biệt, toàn bộ chi phí khách mời diễn giả 15.000.000đ (mười lăm triệu đồng) được chuyển đến Quỹ Thư Viện Ước Mơ với mục đích xây dựng Thư viện Ước mơ số 32, tại trường Tiểu học Bình Khánh Tây, xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Đây cũng là một cách Khoa Mỹ Thuật và Thiết Kế hợp tác cùng Arkki Asean chia sẻ trách nhiệm cộng đồng, bên cạnh mục đích chính của chương trình là hoạt động học thuật nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ đào tạo.


ThS. Man Thị Hồng Thiện - Khoa Mỹ thuật & Thiết kế


© 2024 Khoa Mỹ thuật & Thiết kế - Trường Đại học Văn Lang