Cuộc thi là sân chơi dành cho những người khao khát chinh phục bản thân, tự tạo cho mình một cơ hội thể hiện năng lực kiến thức và tư duy. Giải thưởng thiết kế dành cho những người đam mê sáng tạo, dám đối diện với cuộc chơi ý tưởng mang tính cộng đồng. Giải thưởng kiến trúc Loa Thành là một trong số những cuộc thi, giải thưởng lớn về chuyên ngành thiết kế kiến trúc, xây dựng, quy hoạch, nội thất… Một cuộc thi bền bỉ, uy tín có thâm niên hơn 30 năm, năm nay là năm thứ 33, giải thưởng đã khép lại và danh sách các nhà thiết kế trẻ đoạt giải đã mở ra thật bất ngờ và thành công.
Trong số hàng trăm đồ án tốt nghiệp của 20 trường Đại học đào tạo về ngành thiết kế kiến trúc, nội thất, quy hoạch, xây dựng đã có 64 giải thưởng. Trường Đại học Văn Lang thuộc Top 4 trên tổng số 20 Trường có sinh viên đạt giải thưởng nhiều nhất. Trong đó sinh viên ngành thiết kế nội thất – Khoa Mỹ thuật và thiết kế đạt 2 giải thưởng.
Sinh viên khoá 23NT nhóm 3: Bùi Thị Quỳnh Anh – đạt giải Nhì với đồ án thiết kế nội thất công trình Nhà hàng Ái Cơ.
“Ái Cơ” là gì? Chắc sẽ có thắc mắc khi nghe qua tên công trình. Bộ phim “Bá vương biệt Cơ” cảm hứng từ vở Kinh kịch có điển tích từ “Hán - Sở tranh hùng”.
Kinh kịch vốn là nghệ thuật truyền thống, là quốc hồn quốc túy của dân tộc Trung Quốc được tôn là “Ca kịch phương Đông”. Giống như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác của các nước, nghệ thuật Kinh kịch đứng trước nguy cơ mai một dần.
Từ vấn đế cấp bách của xã hội như vậy nhà thiết kế đã đề xuất giải pháp lưu giữ lại giá trị nghệ thuật tinh tuý của văn hoá Phương Đông qua công trình Nhà hàng Ái Cơ.
Nhà hàng Ẩm thực - là sự trải nghiệm vị giác về món ngon, thị giác về thẩm mỹ món ăn và không gian xung quanh bên trong không gian kiến trúc – nội thất. Qua ẩm thực có thể giao lưu văn hoá với nhau, từ đó lồng vào trong thiết kế giá trị thẩm mỹ của loại hình Kinh kịch hỗ trợ kinh doanh đồng thời truyền bá được nét văn hoá độc đáo này, lưu giữa được một phần giá trị văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Giá trị cốt lõi của đồ án là: Giữ lại sự kết nối giữa những giá trị lịch sử với nhịp sống hiện đại, con người với cội nguồn.
Từ cảm nhận đề tài đến giải pháp thiết kế được xây dựng từ không gian chủ đạo làm điểm nhấn là khu sân khấu, cách thể hiện bối cảnh và chi tiết trang trí cùng với ánh sáng dường như thực khách như được sống trong vở kịch đó. Và sân khấu vở kịch cổ nổi tiếng hào hùng rực rỡ và bi tráng “Bá Vương Biệt Cơ” là một trong những xúc cảm mạnh mẽ nhất để tạo nên Nhà hàng Ái Cơ.
Không khí vở kịch lan tỏa khắp không gian công trình nội thất nhà hàng, có nét trầm lắng huyền bí, vừa rực rỡ lộng lẫy, nét cổ xưa trong từng hoạ tiết nhưng lại rất hiện đại.
Thủ pháp tạo hình nhịp điệu không gian phân vị thẳng đứng bởi hàng cột, tường với sự kết hợp đường cong mềm mại từ sự cảm xúc qua động tác nhân vật, chính là sự pha trộn tương phản mạnh mẻ như có kịch tính trong vỡ diễn.
Cảm hứng sáng tạo từ điển tích cổ đã mang đến không gian đậm dấu ấn thời gian, phảng phất giá trị lịch sử nghệ thuật vàng son một thời. Tất cả được nhà thiết kế xử lý tài tình trong từng không gian, từng chi tiết…
Khu sảnh đón: thực khách sẽ thấy thấp thoáng nàng Ái Cơ chào đón với tư thế động tác diễn đặc trưng. Trần và sàn là những đoá hoa to, giống như đại mẫu đơn, vua của loài hoa. Các vách tường treo tranh Thủy mặc rất phù hợp phong cách chủ đề…
Các khu ăn chung: hướng về sân khấu – điểm nhấn của nhà hàng - không khí khu vực ăn chung như nở hoa, rộn ràng cùng âm nhạc của Kinh kịch, sự thể hiện cầu kỳ đến mức độ chi tiết đáng khâm phục. Chất liệu không gian này rất sang trọng, vàng son óng ánh sắc đỏ tía quý phái…
Sân khấu: là linh hồn của không gian nhà hàng, đúng tinh thần của “nhà hát” cổ xưa Phương Đông ở Trung Quốc. Bức phong sân khấu vẽ mẫu đơn và chim trĩ thể hiện sự cao quý trong ý niệm – chủ đề motif này đã lan truyền vào Việt Nam ở thời Nguyễn, xuất hiện trong các trang trí nhà cổ Nam bộ đến ngày nay…
Khu ăn ngoài trời: tạo hình vách ngăn giữa các bàn ăn là chiếc quạt của phụ nữ Trung Hoa xưa, không gian này trở nên thư thái nhẹ nhàng như một nàng thơ dạo vườn…
Khu VIP: mỗi không gian phòng là một chủ đề nhưng chung quy vẫn là những ngôn ngữ tạo hình theo phong cách Á Đông đương đại, các hình bát giác đan xen hình vuông, các vòng nguyệt môn ẩn hiện phân chia không gian ước lệ cùng với bộ bàn ghế âm dương thời Minh được phối hợp hài hoà, độc đáo…
Khu nhà vệ sinh: là một điểm nhấn đẹp mắt của công trình này – chứng minh sự quan tâm của nhà thiết kế và chủ đầu tư dành cho thực khách vô cùng thấu cảm…
Sinh viên khoá 23NT nhóm 2: Trần Thị Tường Duyên – đạt giải Khuyến khích với đồ án thiết kế nội thất công trình Nhà hàng Giang Môn
Tên công trình nghe đặc trưng phong cách Trung Hoa – Nhà hàng ẩm thực Trung Hoa – được xây dựng cảm xúc từ con sông lịch sử lâu đời với vẽ đẹp thần tiên của nó. Vùng đất Quế Lâm thuộc Quảng Tây Trung Quốc nơi dòng Li Giang chảy qua quanh co uốn lượn, thơ mộng và trong suốt như gương soi bóng vẽ đẹp trải dài hai bên bờ. Đối với người Trung Quốc, Li Giang (Lệ Giang) không chỉ được xem là một thắng cảnh mà còn là một phần của nền văn hoá mang tính lịch sử nghìn năm.
Giang Môn: được hình thành từ sự kết hợp hình ảnh con sông (Giang) cùng với hình ảnh những chiếc cầu đá vòm cong tròn bắt qua các đoạn sông Li tựa như những chiếc cổng (môn) đặc trưng của vùng Li Giang.
Ẩm thực - không thể thiếu trong giao tiếp giữa bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ, vì thế rất dễ mất đi giá trị bản sắc vùng miền. “Giang Môn Retaurant” ra đời là vì lý do này.
Giá trị cốt lõi của “Giang Môn Retaurant” là mang sứ mệnh giới thiệu và truyền bá nét đẹp của một dòng sông lịch sử trên đất nước Trung Hoa – nơi có nhiều di sản văn hoá lịch sử – kết nối kinh tế du lịch toàn cầu gần lại với nhau trong bối cảnh đại dịch covid…
Khu đón tiếp: là nơi dẫn dắt thực khách bước vào thiên nhiên hoang sơ của Li Giang, các vách đá dựng đứng, thô cứng, soi bóng xuống sàn như soi bóng xuống nước sông. Một không gian chào đón mang lại nhiều cảm xúc giữa thiên nhiên sông núi…
Khu hành lang: tuy là không gian phụ nhưng có chức năng kết nối giao thông các không gian với nhau. Vật liệu phản chiếu ốp trần và hình ảnh đường cong sàn biểu thị dòng sông phản chiếu tạo ảo ảnh cho không gian thêm lơ lững, bồng bềnh sông nước…
Khu quầy bar: là không gian điểm nhấn chính cho nhà hàng, được cảm xúc sáng tạo từ hình ảnh vòm cầu đá, thấp thoáng ẩn hiện là những mái nhà cổ trăm tuổi ven sông Li. Một tầm nhìn rất đặc trưng về phong cảnh làng mạc hữu tình quanh Lệ Giang…
Khu ăn chung: cấu trúc vọng gác được nhà thiết kế đặt vào không gian này rất ấn tượng, tạo cá tính mạnh, thể hiện sự phá cách – truyền thống và đương đại đan xen – màu sắc cũng được phối mạnh mẽ, ấn tượng mang đến không khí vui vẻ của một buổi ăn… Ở những khu khác, các thức vòm cong của cầu đá được tái hiện làm trần, vòm…
Khu VIP: không gian ấm cúng, đoàn viên dưới mái nhà sau 1 ngày dài lênh đênh trên sông Li bắt cá. Bên ngoài là phong cảnh núi non, kỳ vĩ, vách đá làm vách dựa lưng, màu đỏ truyền thống được tô điểm qua chất liệu đã tạo nên không gian ăn uống thú vị và sâu lắng…
Khu Balcony: ngoài trời được dựng khung kiến trúc lưới (khối ảo) mang hình dáng mái kiến trúc vọng gác trên cầu là nét đặc trưng của Quế Lâm. Bố trí khu vực ăn thoáng, rất phù hợp cho những ai không thích không gian đóng kín, máy lạnh…
Từ kết quả hai đồ án tốt nghiệp thành công giải thưởng năm nay, nhìn lại chặng đường đào tạo thiết kế nội thất của Văn Lang đã qua, có thể thấy sự tiến bộ của sinh viên từng khoá. 비트 코인 스포츠 북 Qua phân tích hai bài đồ án đã giải mã phần nào ý tưởng sáng tạo và giải pháp thiết kế không gian của hai tác giả, giúp cho các bạn sinh viên khoá sau có tài liệu tham khảo và có cái nhìn đối chiếu với đồ án đã và đang học. Mong thế hệ sinh viên nội thất kế thừa tinh thần của đàn anh đàn chị để tự tin, khát vọng, tạo cho bản thân cơ hội thể hiện tài năng sáng tạo tiềm ẩn của mình, gặt hái thêm nhiều thành công mới ./.
ThS. Lê Long Vĩnh - Trưởng ngành Thiết kế Nội thất
Khoa Mỹ thuật & Thiết kế - trường ĐH Văn Lang