Sinh viên Văn Lang: Trở thành công dân tích cực cho xã hội qua các dự án cộng đồng


Hướng đến đa dạng hóa trải nghiệm cho sinh viên, từ năm 2023, Trường Đại học Văn Lang phối hợp cùng tổ chức phi chính phủ ECO Vietnam Group và các trường Quốc tế khác triển khai hoạt động International Service-Learning (học thông qua phục vụ cộng đồng). Hoạt động mang lại cho sinh viên chương trình đào tạo đặc biệt Văn Lang cơ hội học tập, trải nghiệm thực tế, gắn kết hơn với cộng đồng..

Tháng 3 vừa qua, trong khuôn khổ hoạt động liên kết quốc tế, nhóm giảng viên, sinh viên chương trình đào tạo đặc biệt ngành Thiết kế Đồ hoạ của Trường Đại học Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh) và Trường Cao đẳng Bách Khoa Nanyang Singapore đã phối hợp triển khai dự án vẽ tranh tường tại thư viện cộng đồng EVG, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.

Sinh viên Văn Lang: Trở thành công dân tích cực cho xã hội qua các dự án cộng đồng ảnh 1

Sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa chương trình đào tạo đặc biệt Trường Đại học Văn Lang và sinh viên trường Cao đẳng Bách khoa Nanyang Singapore cùng triển khai dự án vẽ tranh tường tại Thư viện cộng đồng EVG tỉnh Trà Vinh trong chuỗi hoạt động International Service-Learning.

Để hoàn tất dự án này, sinh viên hai nước đã trải nghiệm cuộc sống “02 ngày - 02 không” không điện thoại, không internet - mọi người gắn kết với nhau qua việc trao đổi, chia sẻ, cùng vẽ, cùng chơi với các bé ở thư viện. Dự án đã mang lại hoạt động ý nghĩa thực tiễn cho người dân, trẻ em địa phương xã Phong Thạnh; giúp cải tạo, trang trí khuôn viên trường học có thể tiếp cận các nguồn kiến thức khác nhau và vui chơi trong môi trường khang trang, đẹp hơn. Ngoài ra, dự án cũng giúp học sinh nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, hướng đến xây dựng thư viện xanh, sạch, đẹp.

Là nhà Sáng lập và Chủ tịch của tổ chức ECO Vietnam Group, anh Phạm Văn Anh cho biết: “Dự án International Service-Learning này mang đến nhiều giá trị giao lưu, học hỏi và tác động đến cộng đồng. Các bên đã phối hợp rất tốt với nhau, nếu sinh viên Nanyang Polytechnic mang đến nhiều bài học tiếng Anh và STEM sinh động thì Trường Đại học Văn Lang mang sinh viên cùng giảng viên khoa Thiết kế Mỹ thuật đến để thực hiện dự án vẽ tranh tường, tôn vinh giá trị của văn hóa Khmer và khuyến khích các em nhỏ tại cộng đồng gìn giữ nét đẹp văn hóa ấy. Những gam màu làm sáng cả thư viện và trong những nét vẽ chất chứa mong đợi, ấp ủ cho sự bảo tồn và phát huy các bản sắc của địa phương”.

Sinh viên Văn Lang: Trở thành công dân tích cực cho xã hội qua các dự án cộng đồng ảnh 2

Hình ảnh Chùa Vàm Ray cùng tượng Phật nằm mang đậm nét dân tộc của đồng bào Khmer qua nét cọ của sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa Trường Đại học Văn Lang.

Dự án vẽ tranh tường trang trí khuôn viên thư viện cộng đồng EVG của sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa chương trình đào tạo đặc biệt Trường Đại học Văn Lang không chỉ mang ý nghĩa văn hóa mà còn giúp khơi gợi niềm đam mê với bộ môn mỹ thuật cho các em học sinh địa phương, giúp quảng bá văn hóa đồng bào Khmer và góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa.

Sinh viên Văn Lang: Trở thành công dân tích cực cho xã hội qua các dự án cộng đồng ảnh 3

Sinh viên tái hiện hoạt động đua ghe Ngo và điệu múa đặc trưng của người dân Khmer

Tham gia tô điểm cho thư viện cộng đồng EVG, bạn Đặng Thị Bảo Châu - sinh viên năm nhất, ngành Thiết kế Đồ họa chia sẻ: “Qua hoạt động vẽ tranh tường, mình không chỉ được trải nghiệm ngành học một cách ý nghĩa mà mình còn có cơ hội giao lưu với các bạn sinh viên quốc tế. Trải nghiệm văn hóa Khmer và ẩm thực địa phương cũng giúp mình hiểu về con người tại đây. Thông qua dự án, mình hiểu hơn về mô hình Service Learning – Học thông qua phục vụ cộng đồng mà mình đang theo học; hiểu hơn về trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng.”

Tại Việt Nam, Trường Đại học Văn Lang là trường đại học tiên phong triển khai đào tạo mô hình học tập thông qua Phục vụ cộng đồng (Service-Learning) từ năm 2019. Trong 3 năm qua, sinh viên Chương trình Đào tạo đặc biệt đã triển khai hơn 30 dự án, mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng với nhiều nội dung phong phú, đa dạng như: Hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em nông thôn, góp phần xây dựng mục tiêu phát triển bền vững số 4, đảm bảo nền giáo dục hòa nhập, bình đẳng, chất lượng; Giảm thủ tục thách cưới của người dân tộc K’ho; Dự án "Power Girl" - giúp các bé gái hiểu sức mạnh của giấc mơ, dám ước mơ dám thực hiện.

P.V - theo Tienphong.vn