Đồ án tốt nghiệp của sinh viên Thiết kế Đồ họa Văn Lang 2020: tiệm cận xu hướng phát triển đồ họa


Ngày 20/6/2020, buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp của sinh viên Khóa 22 ngành Thiết kế Đồ họa diễn ra tại Họa thất Cơ sở 3 Trường Đại học Văn Lang. Trong số 42 đồ án tốt nghiệp, nhiều đề tài được Hội đồng đánh giá cao về nội dung, kỹ thuật thể hiện và tiệm cận với xu hướng phát triển mới của ngành đồ họa.

vlu thiet ke do hoa bao ve tot nghiep a

Thầy trò ngành Thiết kế Đồ họa Trường Đại học Văn Lang trong Lễ bảo vệ đồ án tốt nghiệp năm 2020


HỘI ĐỒNG CHẤM ĐỒ ÁN TỐT NGHIỆP NGÀNH TK ĐỒ HỌA NĂM 2020

Hội đồng 1: Th.S Nguyễn Đắc Thái (Chủ tịch Hội đồng), HSTK. Lê Thu Hằng (Ủy viên), HSTK. Trần Công Danh (Ủy viên), Th.S Nguyễn Thị Yến Phượng (Ủy viên), NTK. Trần Công Trọng (Thư ký)

Hội đồng 2: Th.S Nguyễn Thanh Long (Chủ tịch Hội đồng), Th.S Hoàng Thị Anh Nghi (Ủy viên), HSTK. Phan Khương (Ủy viên), HSTK. Phan Vũ Linh (Ủy viên), HSTK. Nguyễn Quốc Thanh (Thư ký).

Dù gặp ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19, tất cả sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa Khóa 22 đã hoàn thành tốt các đề tài tốt nghiệp; trong đó có 4 đề tài đạt từ điểm 9 và 25 đề tài đạt từ 8 điểm trở lên, nhiều đồ án theo đuổi những mảng đề tài khá đặc biệt, được đầu tư nhiều công sức.

vlu thiet ke do hoa bao ve tot nghiep g

Đồ án “Concept game Chiến binh đại ngàn” của sinh viên Nguyễn Hoài Thương đạt điểm số cao nhất (9.4 điểm), là một trong hai đồ án hiếm hoi lựa chọn game online để thực hiện đồ án tốt nghiệp.

Đồ án của Hoài Thương không chỉ được đánh giá cao về phần đồ họa mà còn xây dựng bản demo cho game Chiến binh đại ngàn. Dù bản game mà Hoài Thương cùng bạn bè của mình xây dựng chưa hoàn thiện 100%, nhưng Hội đồng vẫn đánh giá rất cao bởi thành quả cao hơn so với mong đợi.

Hoài Thương chia sẻ sau khi bảo vệ thành công đồ án: “Mình có niềm yêu thích mãnh liệt với game, vì vậy mình đã dồn hết tất cả sức lực có được để thực hiện đồ án tốt nghiệp lần này. Trong quá trình thực hiện đồ án, mình cũng gặp nhiều khó khăn. Lúc đầu, khả năng vẽ của mình chưa được hoàn thiện, mình đã dành nhiều thời gian để làm việc với giảng viên hướng dẫn và phải sửa đi sửa lại rất nhiều lần. Mình cũng không có kinh nghiệm code game nên sau đợt dịch mình phải bắt xe lên Sài Gòn, tìm những người bạn mình quen biết để hỗ trợ làm code game, phục vụ cho đồ án".

vlu thiet ke do hoa bao ve tot nghiep l

Đồ án “Game 2D platform” của sinh viên Phạm Hải Duy đạt điểm số khá cao (8.5 điểm), được đánh giá có đầu tư về cách thể hiện, nếu được xử lý thêm về hình ảnh, bối cảnh thì đồ án sẽ hoàn thiện hơn.

Nhiều sinh viên lựa chọn các đề tài về môi trường, sản phẩm xanh để xây dựng các sản phẩm đồ họa. Trong số đó, đồ án “Bộ nhận diện thương hiệu Nông trại thông minh Là Farm” của sinh viên Đậu Hoàng Nam được đánh giá rất cao từ phía Hội đồng.

vlu thiet ke do hoa bao ve tot nghiep o

Đậu Hoàng Nam và đồ án tốt nghiệp “Bộ nhận diện thương hiệu Nông trại thông minh Là Farm”. Hoàng Nam là sinh viên có điểm số cao thứ 2 trong số 42 đồ án (9.3 điểm).

Nói về đồ án của mình, Hoàng Nam cho biết: “Trong những năm gần đây, mình chưa thấy nhiều đề tài về nghề nông của ông cha ta. Mình muốn thực hiện một đề tài vừa nhắc nhớ lại nghề truyền thống đó, vừa muốn chung tay giữ gìn những giá trị tinh hoa nhất cho nền nông nghiệp Việt Nam”.

Bên cạnh kỹ thuật thể hiện và ý nghĩa mà đề tài mang lại, câu chuyện đằng sau quá trình thực hiện đồ án của Hoàng Nam nhận được phản hồi tích cực từ các thầy cô trong Hội đồng. Trong đợt cách ly xã hội vừa qua, Hoàng Nam áp dụng những nghiên cứu nền của mình lên thực tế bằng cách trồng rau hữu cơ, không sử dụng phân bón. Việc này giúp Hoàng Nam trải nghiệm thực tế đề tài mình lựa chọn cũng như có thêm động lực để hoàn thành đồ án tốt nghiệp.

Cũng lựa chọn đề tài về Farm Service (Dịch vụ nông trại), nhưng đồ án “Bộ nhận diện thương hiệu Khu du lịch Farm & Rest Kìn Tho” của sinh viên Lê Quốc Khánh lại theo một hướng khác hoàn toàn.

vlu thiet ke do hoa bao ve tot nghiep d

Đồ án “Bộ nhận diện thương hiệu Khu du lịch Farm & Rest Kìn Tho” (8.9 điểm) của sinh viên Lê Quốc Khánh được đánh giá tốt về ý tưởng mới lạ, kỹ năng thể hiện. Hội đồng cũng đánh giá cao cách trình bày chân thật, mộc mạc, đậm chất miền Tây của Quốc Khánh.

Kìn Tho là khu du lịch phức hợp kinh doanh với mô hình nhà hàng kết hợp trang trại trồng trọt. Tên gọi Kìn Tho được Quốc Khánh lựa chọn bắt nguồn từ cách gọi của người Khmer về vùng đất Cần Thơ khi xưa. Khi khai hoang vùng đất Cần Thơ, người Khmer thấy nơi đây có nhiều cá sặc rằn nên quyết định đặt tên vùng đất này bằng tên của loài cá sặc rằn – Kìn Tho.

Về ý tưởng thiết kế, Quốc Khánh kết hợp hình tượng cá sặc rằn và cây Me Tây (Còng), loại cây có nhiều tại miền Tây. Poster được thiết kế theo hình thức Infographic, một điểm cộng của Quốc Khánh đối với các thầy cô trong Hội đồng, bởi có thể khái quát được nội dung thiết kế thông qua hình ảnh lẫn câu chữ.

vlu thiet ke do hoa bao ve tot nghiep c

Quốc Khánh chia sẻ cảm nhận của bản thân sau buổi bảo vệ đồ án: “Quê mình ở Bến Tre nên mình quyết định sử dụng chất liệu quê hương miền Tây sông nước để thực hiện đồ án này. Thời gian thực hiện đồ án cũng khá gấp nên bài của mình vẫn chưa hoàn thiện lắm, nhưng được thầy cô khen, đánh giá cao thì mình thấy rất vui mừng”.

Ngoài ra, một số đề tài hướng về các giá trị nhân văn cũng nhận được phản hồi tích cực của Hội đồng.

vlu thiet ke do hoa bao ve tot nghiep m

Sinh viên Bùi Trần Ngọc Diễm với đồ án “Thiết kế hệ thống Trung tâm cho trẻ em ung thư Ngày Bình Thường” (8.6 điểm). Đây là một trong số các đồ án được Hội đồng đánh giá cao không chỉ ở kỹ thuật thiết kế mà còn về ý nghĩa nhân văn mà đồ án mang lại.

Lý do để Ngọc Diễm lựa chọn đề tài hết sức đặc biệt này bởi khi còn là cô bé học sinh lớp 5, mẹ Ngọc Diễm mắc ung thư giai đoạn cuối. Lúc vào bệnh viện chăm sóc mẹ, bạn từng chứng kiến những người bạn trạc tuổi mình và cả những bé nhỏ hơn mình đau đớn vì căn bệnh ung thư. Sau này, khi được va chạm nhiều hơn, có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu, Diễm nhận ra rằng: “Các bạn không chết do ung thư, mà chết do thái độ của những người xung quanh đối xử với các bạn”. Ngọc Diễm đã nung nấu ý định thực hiện đề tài này ngay từ năm 2 và bắt đầu nghiên cứu sâu hơn để thực hiện đồ án này từ đầu năm 2020.

Ngọc Diễm cho biết: “Ban đầu, hướng đi của mình không phải sử dụng mascot (linh vật) cho đồ án của mình mà là ảnh chụp của các bạn nhỏ bị ung thư tại Bệnh viện Ung Bướu. Mặc dù các cô chú trong bệnh viện cũng cố gắng giúp đỡ mình bằng cách cho một vài bé cùng mình thực hiện bộ ảnh, nhưng bệnh của các bé rất nặng, khi ra ngoài cũng ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều nên mình quyết định không thực hiện bộ ảnh đó nữa”.

vlu thiet ke do hoa bao ve tot nghiep n

Ý tưởng xây dựng mascot của Ngọc Diễm không đơn thuần chỉ là hình tượng các linh vật dễ thương, điều mà Diễm muốn gửi gắm vào các hình tượng nằm ở các chiếc mũ trên đầu của mỗi mascot. Đối với những mắc bệnh ung thư, rụng tóc là một trong những tác dụng phụ sau khi trị bệnh, điều này tạo nên cảm giác tự tin, mặc cảm cho họ. Ngọc Diễm đã khéo léo lồng ghép hình tượng chú sóc ham chơi, chú cú thông thái, chú chuột ham ăn và hình tượng bắp cải để lồng ghép với các thông điệp Con được vui chơi, học tập, ăn uống, sinh hoạt như ngày bình thường”.

vlu thiet ke do hoa bao ve tot nghiep f

Một đề tài khác cũng nhận được phản hồi tích cực là “Xây dựng chiến dịch truyền thông về vấn nạn miệt thị ngoại hình We Found Us” (8.2 điểm) của sinh viên Nguyễn Trần Bảo Trân.

Bảo Trân cho biết: “Mình từng là nạn nhân của vấn nạn body-shaming (miệt thị ngoại hình). Mình thật sự may mắn khi có bạn bè ở bên cạnh để mình có thể vượt qua được, nhưng cũng có nhiều bạn không may mắn được như vậy. Mong muốn đầu tiên để mình thực hiện đề tài này là góp tiếng nói, giải cứu những bạn từng có quá khứ bị miệt thị ngoài hình giống như mình, mong sẽ gieo một niềm hy vọng để các bạn có thể vực dậy bản thân, chứ không phải đóng khung trong một cái hộp”.

Quá trình thực hiện đồ án của Bảo Trân cũng không dễ dàng gì, thời gian đó Trân gặp khó khăn rất nhiều về tài chính. Các sản phẩm poster được chụp trong studio chuyên nghiệp, chi phí cho một buổi chụp cũng không phải là con số nhỏ. Dù đã có ý tưởng trong đầu nhưng khi chụp ra thì không được như mong muốn, Bảo Trân cùng những người bạn của mình phải chụp đi chụp lại nhiều lần.

Một số sinh viên lựa chọn đề tài minh họa được nhiều thầy cô đánh giá cao. Đây được xem là đề tài khó, cần kiến thức và kỹ năng vững mới có thể hoàn thành được đồ án một cách trọn vẹn.

Đồ án “Minh hoạ sách Adventure of Rumio” (8.8 điểm) của sinh viên Đặng Công Quyền.

Đồ án “Minh hoạ sách Adventure of Rumio” (8.8 điểm) của sinh viên Đặng Công Quyền.

vlu thiet ke do hoa bao ve tot nghiep b

Đồ án “Minh họa truyện cổ tích Mười Hai Bà Mụ” (8.7 điểm) của sinh viên Hoàng Ngọc Lập.

Ngoài những đề tài trên, một số đồ án cũng nhận được điểm số khá cao như:

  • Đồ án “Nhận diện thương hiệu Bánh tráng ăn vặt Sạp Phố” (9.1 điểm) của sinh viên Nguyễn Hoàng Cúc;
  • Đồ án “Bộ nhận diện thương hiệu Dịch vụ chăm sóc cho chó cưng Homie” (9.0 điểm) của sinh viên Vũ Ngọc Thảo Nhi;
  • Đồ án “Artbook văn hoá An Giang – Năm Non Bảy Núi” (8.9 điểm) của sinh viên Trần Thị Thu Trang.

vlu thiet ke do hoa bao ve tot nghiep e

Th.S Nguyễn Đắc Thái, Phó Trưởng Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Chủ tịch Hội đồng chấm đồ án tốt nghiệp cho biết: Trong Hội đồng năm nay có những thầy cô làm ở doanh nghiệp, các thầy cô đánh giá rất cao về tiềm năng của sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa của Trường Đại học Văn Lang.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, không khí của đợt bảo vệ đồ án năm nay không được sôi nổi, hào hứng như mọi năm. Nhưng về mặt chuyên môn, Hội đồng đánh giá chất lượng không bị giảm sút. Một số bạn gặp khó khăn trong việc quản lý tiến độ về thời gian nên có ảnh hưởng đôi chút đến sản phẩm cuối cùng. Đặc biệt, trong mùa bảo vệ đồ án này có những mảng đề tài khá đặc biệt như Farm Service, các đề tài sử dụng đồ họa để truyền thông cho các sản phẩm nông nghiệp sạch. Nhiều đề tại tiệm cận với xu hướng kỹ thuật số, digital hóa ấn phẩm đồ họa và giải quyết một số bài toán mà thị trường hiện nay đang có nhu cầu cao.

Tin, ảnh: Nam Vương - Trường ĐH Văn Lang


© 2024 Khoa Mỹ thuật & Thiết kế - Trường Đại học Văn Lang