Bản đặc tả CTĐT K26 - Phụ lục


Phụ lục I. Mô tả tóm tắt của các môn học

Mô tả tóm tắt những chủ đề kiến thức và/hay các nhóm kỹ năng chính được giảng dạy trong môn học, thời lượng và phân bổ giữa lý thuyết và thực hành/bài tập/project…

Triết học Mác Lê nin: Là một trong ba bộ phận cấu thành Chủ nghĩa Mác – Lênin. Nội dung môn học gồm có 3 chương, giải thích về những vấn đề chung liên quan tới sự tồn tại, phát triển của thế giới nói chung, của sự tồn tại và phát triển xã hội loài người nói riêng, nó trang bị thế giới quan đúng đắn, nhân sinh quan tích cực, cũng như phương pháp luận biện chứng, khoa học cho người học, nhằm giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Môn học còn là cơ sở để sinh viên tiếp thu tốt các môn Lý luận chính trị, cũng như các môn khoa học khác.
Giáo dục thể chất 1: Môn học cung cấp về kiến thức lý thuyết và bổ trợ kỹ năng thực hành các môn thể chất nhằm nâng cao sức khỏe cho sinh viên. Tùy vào môn học mà sinh viên lựa chọn sẽ có những bài học, kiến thức khác nhau.

Anh văn 1: Môn học cung cấp kiến thức và kỹ năng tiếng Anh học thuật trình độ sơ cấp bậc 1: Kiến thức cơ bản: Luyện tập 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết sử dụng. Từ vựng cơ bản: nghề nghiệp, phương tiện liên lạc, du lịch. Văn phạm cơ bản: cấu trúc câu đơn, thì hiện tại đơn, thì quá khứ đơn với ‘to be’, thì hiện tại tiếp diễn, sử dụng từ nối cơ bản.
Kiến thức nâng cao: Luyện tập 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết sử dụng: Từ vựng nâng cao: dân số, thời đại trực quan, thám hiểm. Văn phạm nâng cao: cách kết hợp từ tự nhiên, động từ ở thể nguyên mẫu, câu mệnh lệnh, sử dụng động từ khuyết thiếu.
Kiến thức/kỹ năng mở rộng: thuyết trình, làm việc nhóm, sáng tạo, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề.

Tin học cơ bản: Môn học cung cấp các nội dung sau:
Khái niệm CNTT cơ bản, trình bày kiến thức cơ bản về cấu trúc máy tính, hệ thống mạng máy tính, vấn đề an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong Công nghệ thông tin – Truyền thông. Các vấn đề liên quan đến an toàn thông tin và pháp luật trong sử dụng CNTTSử dụng máy tính cơ bản. Nội dung tập trung hướng dẫn các thao tác thành thục để sử dụng máy tính cá nhân, các tiện ích cơ bản, gõ tiếng Việt và in ấn văn bản.
Soạn thảo văn bản. Giới thiệu và tổng quan các công cụ thiết kế văn bản với phần mềm Microsoft Word, phiên bản 2010
Xử lý bảng tính. Tìm hiểu các ứng dụng tính toán chuyên nghiệp với phần mềm Microsoft Excel, phiên bản 2010. Sử dụng các hàm số và thuật toán để giải quyết các bài toán và tình huống thực tế.
Sử dụng trình chiếu cơ bản. Xây dựng các bản trình chiếu thuyết trình với các kỹ thuật cơ bản và nâng cao với Microsoft PowerPoint, phiên bản 2010.
Internet cơ bản. Tìm kiếm thông tin trên mạng diện rộng toàn cầu, sử dụng hộp thư điện tử, tìm hiểu các ứng dụng Thương mại điện tử, cộng đồng trực tuyến. Hình thành các thói quen bảo mật thông tin an toàn cho người dùng.

Cơ sở tạo hình mỹ thuật: Môn học trình bày các nội dung về cấu trúc thị giác, các định luật thị giác, các phương tiện tạo hình, các dạng bố cục cơ bản, Lý thuyết và thực hành cơ bản về màu sắc, vòng thuần sắc, các nguyên lý tạo hình cơ bản và các bài tập thực hành hỗ trợ các phần lý thuyết.

Trang trí cơ bản: Trang trí cơ bản là môn học cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về màu sắc, phương pháp sử dụng màu trong trang trí, biết lựa chọn ghi chép đối tượng để tạo nên những hoạ tiết mang tính cách điệu áp dụng vào bài tập theo đúng yêu cầu của môn học.
Cung cấp cho sinh viên phương pháp nghiên cứu, ghi chép tư liệu thực tế như hoa, lá, côn trùng… tạo thành những hoạ tiết được đơn giản, cách điệu mang tính thẩm mỹ cao, phù hợp với ngành học. Bên cạnh đó rèn luyện kỹ năng vẽ tay, cảm nhận màu sắc cũng như vận dụng những kiến thức đó vào trong môn học một cách sáng tạo và hiệu quả nhất.
Thông qua đó sinh viên nắm được kiến thức cơ bản, biết ứng dụng vào bài bố cục tranh vuông, sử dụng thành thạo các nguyên lý về màu sắc, nguyên tắc cách điệu của hoạ tiết nhằm đáp ứng yêu cầu của bài tập tạo ra những tác phẩm mang tính thẩm mỹ cao và sáng tạo.

Hình họa 1: Nghiên cứu vẽ hình họa 1 là môn bắt buộc dành cho sinh viên năm thứ nhất ngành thiết kế đồ họa, môn học này là nền tảng cho tất cả các môn học liên quan mỹ thuật thị giác. Nó được chia làm 2 giai đoạn bao gồm nghiên cứu vẽ phân tích các khối cơ bản, vẽ và phân tích mẫu tĩnh vật.

Tin Học Ứng Dụng: Môn học hướng dẫn sinh viên sử dụng cơ bản phần mềm Photoshop như tạo và lưu file theo yêu cầu của từng loại thiết kế, thao tác các vùng chọn để cắt ghép thành một sản phẩm theo mẫu, sử dụng brush, pen và công cụ màu sắc để hoàn thành các bài tập mẫu cơ bản. Sinh viên được hướng dẫn quy trình cắt ghép và xử lý ảnh thông qua các nhóm công cụ chỉnh sửa hình ảnh như clone stamp, Background eraser tool, hiệu chỉnh màu sắc, Filter Giới thiệu các kỹ thuật, Style để thực hành các bài tập xử lý ảnh theo mẫu phức tạp hơn.

Kinh tế chính trị Mác Lênin: Nội dung học phần tập trung nghiên cứu những lý luận giá trị lao động, quá trình sản xuất giá trị thặng dư trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản tự do canh tranh, giai đoạn độc quyền và độc quyền nhà nước; Trình bày kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt nam, những quan điểm, giải pháp về công nghiệp hóa hiện đại hóa và vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Giáo dục thể chất 2:  Môn học cung cấp về kiến thức lý thuyết và bổ trợ kỹ năng thực hành các môn thể chất nhằm nâng cao sức khỏe cho sinh viên. Tùy vào môn học mà sinh viên lựa chọn sẽ có những bài học, kiến thức khác nhau.

Anh văn 2: Môn học cung cấp kiến thức và kỹ năng Tiếng Anh học thuật trình độ tiền sơ cấp bậc 2:
Kiến thức cơ bản: Luyện tập 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết sử dụng: Từ vựng cơ bản: mạo hiểm và phần thưởng, bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ môi trường, phát minh, ... Văn phạm cơ bản: thì hiện tại đơn, trạng từ chỉ sự thường xuyên, thì quá khứ đơn, thì tương lai, …

Kiến thức nâng cao: Luyện tập 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết sử dụng: Từ vựng nâng cao: vật báu bị mất cắp, thám hiểm vũ trụ và đáy biển, DNA và ứng dụng, … Văn phạm nâng cao: thì hiện tại hoàn thành, động từ khiếm khuyết…

Kiến thức/kỹ năng mở rộng: thuyết trình, làm việc nhóm, sáng tạo, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề.

Phương pháp sáng tạo: Môn học giới thiệu 2 nhóm nội dung chính
- Lý thuyết về sự sáng tạo, các kỹ thuật và các công cụ tư duy sáng tạo
- Thực hành áp dụng các công cụ tư duy sáng tạo đế phục vụ thiết kế Đồ họa

Luật xa gần: Sinh viên được trang bị kiến thức lý thuyết: Khái quát về luật xa gần, đặc điểm tâm sinh lý của thị giác, biểu hiện không gian trên mặt phẳng, phối cảnh đường nét, cách thức diễn đạt sắc độ.
Sinh viên biết vận dụng đường chân trời nằm trong bản vẽ, góc phối cảnh tự do, chọn phối cảnh một điểm tụ, hai điểm tụ hoặc ba điểm tụ thông qua vẽ phối cảnh một số hình khối cơ bản, một nhóm sản phẩm được sắp đạt thành một bố cục, một góc phố hoàn chỉnh theo quy luật của thị giác.

Nghệ thuật chữ 1: Môn học bao gồm các kiến thức về Quy luật và nguyên tắc cơ bản sử trong thiết kế bộ chữ theo phương pháp modul thông qua đó rèn luyện cho sinh viên tư duy thiết kế hệ thống, và hiểu về giải phẩu của chữ đồng thời sinh viên có thể Khám phá, sáng tạo với việc thiết kế chữ cho mục đích trang trí, biểu cảm.

Rèn luyện cho SV các kỹ năng nghề nghiệp: Phân tích, đánh giá và thiết kế bộ chữ và ứng dụng trang trí cho chữ.

Bên cạnh đó, môn học tích hợp giảng dạy các kỹ năng tư duy như phản biện, giải quyết vấn đề và kỹ năng mềm: kỹ năng giao tiếp, làm việc độc lập.

Trang trí cơ sở ngành đồ họa: Môn học gồm 2 phần:
Môn học cung cấp cho SV kiến thức về các dạng bố cục cơ bản tạo sự cân đối thị giác cho bài vẽ hội họa trang trí, các công cụ xây dựng thủ pháp đồ hoạ hợp lý cho bài vẽ trang trí. Cung cấp kiến thức và những kỹ năng chuyên môn để chép tư liệu thực tế bằng phương pháp ký hoạ (chất liệu bút chì – bút kim). Thực hiện phác thảo mảng – nét - màu. Tạo hình trang trí góc phố màu.

Hình họa 2: Môn học bao gồm lý thuyết và thực hành, nghiên cứu về cơ thể người. Về kiến thức cơ bản về cơ thể người: tỉ lệ, hình dáng, cấu trúc. Phương pháp vẽ Hình họa người. SV được hướng dẫn vẽ bài nghiên cứu hình họa với các mẫu tượng chân dung, tượng toàn thân trên lớp và các bài tập vẽ ký họa ở nhà.
Môn học này là học phần bắt buộc dành cho sinh viên năm thứ nhất các ngành thiết kế, là nền tảng cho tất cả các môn học liên quan mỹ thuật thị giác. Giúp SV định hình và phát triển các kỹ năng quan sát phân tích, đánh giá và thể hiện những hình ảnh mỹ thuật. Vận dụng các kiến thức, kỹ năng này vào trong chuyên ngành thiết kế của mình.

Giáo dục quốc phòng: Học phần gồm có 11 bài trong đó, Bài 1 giới thiệu về đối tượng, nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu môn học; Bài 2 giới thiệu những nội dung cơ bản về quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh, quân đội và bảo vệ Tổ quốc; Từ bài 3 đến Bài 11 giới thiệu những nội dung chính về đường lối quốc phòng và an ninh của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Màu sắc và trang trí trên máy tính: Môn học gồm 2 nội dung chính:
Sinh viên nắm vững các công cụ căn bản vẽ đối tượng (pentool, path, brush, align, pathfinder), công cụ phối màu (color, gradient, fill, stroke, mesh, blend), thao tác với văn bản (type tool), xử lý hình ảnh (clipping mask, live trace, link, filter, appearence, transparency), đồ hoạ hỗ trợ (pattern, symbol), 3D effect.

Sinh viên ứng dụng các công cụ và tư duy thẩm mỹ để thực hiện một án phẩm đồ hoạ trên máy tính, và sử dung thành thạo phần mềm thiết kế Adobe Illustrator

Môn Tự chọn I: Các kỹ năng mềm (Kỹ năng giao tiếp hiệu quả. / Kỹ năng nghề nghiệp. / Kỹ năng quản lý thời gian. /. Phương pháp học đại học): Học phần này giúp sinh viên hiểu được mục tiêu và bản chất của việc học, những năng lực học tập bậc cao phù hợp với bậc Đại học. Sinh viên sẽ được học về những kỹ năng cần thiết để có thể tự chủ trong học tập như phương pháp tra tìm thông tin, nghe giảng và ghi chép trong lớp, kỹ năng đọc và phản hồi thông tin. Ngoài ra, môn học này còn cung cấp những kiến thức có ích khác cho cuộc sống sinh viên như lập kế hoạch cho sự tiến bộ của bản thân nhằm giúp sinh viên thich nghi tốt nhất với môi trường học tập ở bậc Đại học và hướng tới tinh thần học tập suốt đời. Sinh viên cũng được học những kiến thức cơ bản về kỹ năng giao tiếp, thấu hiểu bản thân và nhận diện được đối tượng giao tiếp để có cách giao tiếp phù hợp; kỹ năng trình bày; kỹ năng làm việc nhóm.

Chủ nghĩa xã hội khoa học: Học phần gồm 7 chương trình bày quy luật tất yếu của sự ra đời hình thái kinh tế- xã hội cộng sản chủ nghĩa; những vấn đề chính trị - xã hội có tính quy luật trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở kiến thức của môn học, sinh viên vận dụng phân tích những vấn đề chính trị - xã hội của quá trình phát sinh, hình thành và phát triển của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Qua đó, giáo dục cho sinh viên niềm tin khoa học, lập trường chính trị, tư tưởng và thái độ đúng đắn, khách quan về học phần nói riêng và nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung.

Anh văn 3: Môn học cung cấp kiến thức và kỹ năng Tiếng Anh học thuật trình độ trên sơ cấp bậc 2:
- Kiến thức cơ bản: Luyện tập 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết sử dụng: Từ vựng cơ bản: hoạt động hàng ngày, nghề nghiệp, cảm xúc, giải trí, ...
Văn phạm cơ bản: thì hiện tại tiếp diễn, thì quá khứ đơn, danh từ đếm được và không đếm được,…
- Kiến thức nâng cao: Luyện tập 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết sử dụng: Từ vựng nâng cao: quảng cáo, thời tiết, phong cách sống xanh, thức ăn.Văn phạm nâng cao: cách diễn đạt vấn đề và đưa ra giải pháp, cách viết câu hỗ trợ, cách diễ đạt lý do, tính từ miêu tả,…
- Kiến thức/kỹ năng mở rộng: thuyết trình, làm việc nhóm, sáng tạo, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề.

Nghiên cứu lịch sử Đồ họa: Môn học bao gồm 5 nhóm kiến thức về: Tổng quan lịch sử thiết kế đồ hoạ. Lịch sử nghệ thuật chữ viết. Lịch sử nghệ thuật in ấn. Lịch sử minh hoạ. Các trào lưu thiết kế đồ hoạ qua các thời kỳ. Quá trình hình thành các trường phái nghệ thuật thiết kế qua các thời kỳ lịch sử .

Trang trí chuyên ngành đồ họa: Môn học bao gồm kiến thức lý thuyết về các yếu tố quan trọng trong đồ hoạ, nguyên lí design thị giác, phương pháp động não Brainstorming để tư duy giải quyết vấn đề. Sinh viên thực hiện sơ đồ mindmap để phát hiện và lựa chọn các ý tưởng mới cho đề tài, nhận vật. Thực hiện quy trình phát triển từ ý tưởng lên phác thảo và hoàn thiện 72 thủ pháp đồ họa; Cách điệu chân dung người nổi tiếng.

Nghệ thuật chữ 2: Môn nghệ thuật chữ 2 sẽ là môn cung cấp kiến thức Sơ lược lịch sử font chữ. Dựa trên cấu trúc nhận diện font chữ qua các thời kỳ.
Đồng thời thông qua môn học, sinh viên vận dụng cách tạo Cảm xúc font chữ khi đi cùng với nội dung thông tin cũng như màu sắc trong chữ và cách điệu cấu trúc của chữ, cách phối hợp giữa các font chữ thông dụng. Chữ trong văn bản: phân cấp nội dung, layout,…. Lưới trong văn bản Khuynh hướng thiết kế Brandname trong những năm gần đây.

Cơ sở thiết kế đồ họa: Môn học bao gồm 5 phần chính:
Quy trình thiết lập cơ sở thiết kế từ yêu cầu đến giải pháp
Cách thiết lập yêu cầu trong thiết kế đồ hoạ (Briefing)
Phương pháp động não để tư duy giải quyết vấn đề (Brainstorming)
Quy trình tìm và phát triển ý tưởng trong giải pháp thiết kế đồ hoạ (Ideating)
Vận dụng lý thuyết để thực hiện nhanh và trình bày giải pháp thiết kế (Prototyping & Final Presentation)

Tư Tưởng Hồ Chí Minh: Học phần gồm 6 chương, cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản về khái niệm, đối tượng, phương pháp nghiên cứu, ý nghĩa học tập môn tư tưởng Hồ Chí Minh; về cơ sở, quá trình hình thành, phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh và những tư tưởng cơ bản của Người về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân, về đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, về văn hóa, đạo đức và xây dựng con người mới. Môn học còn rèn luyện ý chí và hành động phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng cách mạng mà Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân ta đã lựa chọn.

Anh văn 4: Môn học cung cấp kiến thức và kỹ năng Tiếng Anh học thuật trình độ Trung cấp:
- Kiến thức cơ bản: Luyện tập 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết sử dụng: Từ vựng cơ bản: tương lai, khám phá, âm nhạc - nghệ thuật, ...Văn phạm cơ bản: các từ nối cơ bản, đại từ, liên từ kết hợp, các cụm từ thể hiện sở thích và mong muốn…
- Kiến thức nâng cao: Luyện tập 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết sử dụng: Từ vựng nâng cao: mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, giao tiếp. Văn phạm nâng cao: các cụm từ chỉ thời gian, các cách so sánh, các từ thể hiện cảm xúc, thì hiện tại hoàn thành, ...
- Kiến thức/kỹ năng mở rộng: thuyết trình, làm việc nhóm, sáng tạo, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề.

Thiết kế bìa sách: Đồ án thực hiện thiết kế minh họa sách bao gồm: Bìa chính phụ, trang chuyển tiếp, trang đơn và trang đôi.
Quá trình sáng tạo xây dựng được một hệ thống họa tiết thành phần trang trí hợp lý, sáng tạo, ứng dụng và đa dạng.
Sinh viên khai thác yếu tố chữ và các thủ pháp typography, các kỹ thuật layout từ đơn gairn đến phức tạp cho từng thể loại thiết kế.
Kỹ thuật thể hiện và trình bày phải ấn tượng và bắt mắt, khai thác được màu và hình ảnh của nội dung.
Thực hành thiết kế các sản phẩm hoàn chỉnh.

Nhiếp ảnh: Môn học bao gồm 2 nội dung chính: Chụp ảnh ngoại cảnh và chụp ảnh studio. Sinh viên thực hiện kỹ thuật chụp ảnh và chụp ảnh ngoài trời. Những yếu tố căn bản của kỹ thuật máy ảnh và kỹ thuật bố cục ảnh khi chụp ảnh ngoài trời, thực hành chụp ảnh ngoài trời với ánh sáng tự nhiên theo 4 chủ đề (chân dung, macro, ngược sáng, phong cảnh). Bên cạnh đó, sinh viên thực tập kỹ thuật chụp ảnh studio, cách sử dụng và các sắp đặt ánh sáng phòng chụp.
Các hoạt động luôn được tích hợp kiến thức và thực hành qua Thực hành các Bài tập ngoại cảnh, Bài tập studio, Bài tập nhóm

Xử lý hình ảnh trên máy tính: Môn học bao gồm kiến thức nâng cao về kỹ thuật xử lí ảnh bằng phần mềm photoshop, các kĩ thuật cân chỉnh màu sắc và xử lí ghép nối ảnh, các hiệu ứng đặc biệt trong mối quan hệ với chủ đề và ý tưởng sáng tạo. Trong quá trình học tập sinh viên thực hành theo hướng dẫn của giảng viên, đồng thời chủ động làm theo các bước hướng dẫn về quy trình thiết kế để thực hiện bộ poster phim hoạt hình. Môn học cũng cung cấp các kỹ năng quản lí file và đảm bảo kĩ thuật cho sản phẩm in cuối cùng.
Quá trình học tập sẽ triển khai các bài tập nhỏ dùng để áp dụng các lệnh và kỹ năng thiết kế, cuối kì sinh viên sẽ thực hiện một bộ poster phim hoạt hình để đánh giá cuối kì.

Diễn hoạ chuyên ngành 1: - Đây là học phần mang tính sáng tạo, sinh viên vận dụng linh hoạt những kiến thức cơ bản về Hình họa vào các bài vẽ Diễn họa. Qua quá trình thực hành trên lớp, trên cơ sở quan sát, phân tích, nghiên cứu mẫu và vẽ bài tập giúp sinh viên cũng cố kiến thức, rèn luyện kĩ năng tư duy thị giác, kỹ năng vẽ tay. Từ đó sinh viên thể hiện được những bài vẽ Diễn họa đúng phương pháp khoa học, có giá trị thẩm mỹ. Tạo ý thức rèn luyện khả năng tự sáng tác trong nghành Đồ họa.

Anh văn 5: Môn học cung cấp kiến thức và kỹ năng tiếng Anh học thuật trình độ trên trung cấp:
Kiến thức cơ bản: Luyện tập 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết sử dụng: Từ vựng cơ bản: hạnh phúc, sức khỏe và lối sống, công nghệ và phát minh. Văn phạm cơ bản: động từ chỉ hành động và động từ trạng thái, thì quá khứ tiếp diễn…
Kiến thức nâng cao: Luyện tập 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết sử dụng: Từ vựng nâng cao: bảo vệ môi trường, văn hóa và truyền thống, trí nhớ và bộ não, …Văn phạm nâng cao: thì hiện tại hoàn thành, câu chủ dộng và bị động, các cụm từ chỉ nguyên nhân – kết quả, ...
Kiến thức/kỹ năng mở rộng: thuyết trình, làm việc nhóm, sáng tạo, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề.

Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam: Nội dung chính của môn học: Trình bày về sự hình thành và phát triển của mỹ thuật Việt Nam từ thời kỳ dựng nước cho đến nay, bao gồm hai phần: 1. Mỹ thuật cổ. 2. Mỹ thuật hiện đại.
Nhằm cung cấp một cách có hệ thống các kiến thức về lịch sử mỹ thuật Việt Nam, đặc điểm của từng giai đoạn mỹ thuật, các tác phẩm tiêu biểu trong kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật Việt Nam, các loại hình, giai đoạn, xu hướng nghệ thuật hiện đại và rèn luyện cho sinh viên các kỹ năng phân tích tác phẩm, khuyến khích sinh viên vận dụng các kiến thức thẩm mỹ để thể hiện trong chuyên ngành hẹp của mình. Môn học hướng sinh viên ý thức và trân trọng những giá trị của nghệ thuật dân tộc trong đời sống xã hội, hình thành ý thức về đạo đức nghề nghiệp của người sáng tạo nghệ thuật và kỹ năng mềm làm việc nhóm, làm việc cá nhân, thuyết trình và tư duy, thái độ nghiêm túc trong quá trình học tập nghiên cứu.

Diễn hoạ chuyên ngành 2: Sinh viên vận dụng linh hoạt những kiến thức cơ bản về Hình họa vào các bài vẽ Diễn họa. Qua quá trình thực hành trên lớp, trên cơ sở quan sát, phân tích, nghiên cứu mẫu và vẽ bài tập giúp sinh viên cũng cố kiến thức, rèn luyện kĩ năng tư duy thị giác, kỹ năng vẽ tay.. Học phần gồm có 2 giai đoạn: giai đoạn 1 nghiên cứu vẽ ký họa, diễn họa, hình họa dáng người và giai đoạn 2 là nghiên cứu vẽ ký họa, diễn họa, hình họa phong cảnh và bài kết thúc là diễn họa tổng hợp.
Chuyên đề I: Công nghệ: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến sự phát triển như vũ bão của công nghệ, và nó đã ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của cuộc sống nói chung và ngành thiết kế đồ họa nói riêng. Học phần giúp cho sinh viên nắm bắt được những công nghệ mới hiện nay và những ứng dụng của nó trong đời sống cũng như trong lĩnh vực thiết kế đồ họa. Sinh viên cũng được giới thiệu một số sản phẩm thiết kế đồ họa cụ thể đã được ứng dụng công nghệ mới vào như thế nào, qua đó giúp sinh viên khắc họa một cái nhìn mới để thích nghi được với sự bùng nổ của công nghệ trong lĩnh vực thiết kế đồ họa ngày nay.

Thiết kế bao bì: Đồ án Môn học gồm các nội dung:
Các kiến thức về bao bì sau định nghĩa về bao bì, vai trò và phân loại bao bì, các yêu cầu kỹ thuật, thẩm mỹ khi thiết kế bao bì, xử lý chất liệu bao bì.
Các kỹ năng nghiên cứu thị trường, Thực hành nghiên cứu nhóm
Thực hiện thiết kế bao bì: phương pháp nghiên cứu đề tài, sinh viên thực hiện khảo sát thị trường thực tế, triển khai vào phần nghiên cứu. Phương pháp thiết kế, các nguyên tắt phải đả bảo khi thiết kế bao bì cho sản phẩm.
Sinh viên thực hiện phần nghiên cứu về sản phẩm: màu sắc, chất liệu bao bì, hình thức thể hiện, cấu trúc xếp gấp bao bì… Có kết hợp sơ đồ tư duy (Mind map).
Sinh viên thể hiện thật một hệ thống bao bì sản phẩm. Bao gồm tối thiểu 2 loại sản phẩm lớn và các ấn phẩm phụ kiện kèm theo của hệ thống như: tem, nhãn, nắp, khay, các túi giấy đựng sản phẩm…

Anh văn 6: Môn học cung cấp kiến thức và kỹ năng Tiếng Anh học thuật trình độ Tiền Trung Cao cấp: 
Kiến thức cơ bản: Luyện tập 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết sử dụng: Từ vựng cơ bản: động vật trong y học, thức ăn và các chế độ ăn, thảm họa tự nhiên. Văn phạm cơ bản: mô tả một quá trình với thì hiện tại đơn, câu bị động trong qúa khứ, … 
Kiến thức nâng cao: Luyện tập 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết sử dụng: Từ vựng nâng cao: các kỳ quan nhân tạo, thích nghi tự nhiên, công việc và sự đổi mới. Văn phạm nâng cao: tính từ so sánh, câu điều kiện, thì hiện tại hoàn thành. 
Kiến thức/kỹ năng mở rộng: thuyết trình, làm việc nhóm, sáng tạo, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề. 

Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam: Học phần gồm 4 chương, trình bày về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, quá trình Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền (1930 – 1945), về kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, thực hiện thống nhất đất nước (1945 – 1975), về đường lối của Đảng trong quá trình lãnh đạo cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới (1975 – 2018). Môn học còn định hướng lập trường tư tưởng, chính trị vững vàng, xây dựng niềm tin vào sự lãnh đạo cách mạng của Đảng trong lịch sử dân tộc.

Nghệ Thuật Học: Nội dung chính của học phần gồm: 1. Tổng quan về Nghệ thuật và Nghệ thuật học bao gồm: Khái niệm và nguồn gốc nghệ thuật, Bản chất hình tượng nghệ thuật, Các thành tố của hoạt động nghệ thuật. 2. Loại hình và đặc trưng ngôn ngữ của các loại hình nghệ thuật chủ yếu: Nghệ thuật ngôn từ – Văn học, Nghệ thuật biểu diễn – Âm nhạc & Múa, Nghệ thuật biểu diễn / tổng hợp – Sân khấu, Nghệ thuật - kỹ thuật – Điện ảnh & Nhiếp ảnh. 3. Tổng quan về Nghệ thuật tạo hình – Mỹ thuật.
Nhằm cung cấp một cách có hệ thống các kiến thức cơ bản về các loại hình nghệ thuật chủ yếu. Góp phần rèn luyện cho SV các kỹ năng hiểu, khuyến khích sinh viên vận dụng các kiến thức nghệ thuật để thể hiện trong chuyên ngành hẹp của mình. Môn học hướng sinh viên ý thức và trân trọng những giá trị của nghệ thuật trong đời sống xã hội, hình thành ý thức về đạo đức nghề nghiệp của người sáng tạo nghệ thuật và kỹ năng mềm làm việc nhóm, làm việc cá nhân, thuyết trình và tư duy, thái độ nghiêm túc trong quá trình học tập nghiên cứu.

Chuyên đề II: NGHỆ THUẬT - Môn học mô tả cho sinh viên một cách có hệ thống những khái niệm, hiểu biết và phát triển các kiến thức cơ bản trong nghệ thuật âm nhạc theo từng thời kì. Mối tương quan giữa Âm nhạc với cấc ngành khác.
- Cụ thể, nó là cách thức để xác định nghệ thuật âm nhạc là gì,sự khác biệt và phát triển của âm nhạc, thể loại âm nhạc theo từng thời kì lịch sử. Các phong cách âm nhạc và tính ứng dụng của âm nhạc trong xã hội ngày hôm nay.

Tranh Khắc: Môn học tranh khắc gỗ là môn học để sinh viên có kiến thức hệ thống tranh in, nguồn gốc tranh khắc gỗ thế giới, tranh khắc gỗ Việt Nam, nguyên lý sáng tác tranh, phương pháp làm tranh in. Môn học nhằm rèn luyện kỹ năng: chắt lọc nét, hình, màu, các bước chuyển tiếp từ vẽ thật chuyển qua sáng tác. Sử dụng các chất liệu, kỹ thuật in mang ngôn ngữ đặc thù đồ họa. Học phần gồm có ba bài tập Bài tập: phác thảo. Bài tập: tác phẩm tranh khắc gỗ. Bài tập: bài viết thu hoạch quá trình làm tranh khắc gỗ.

In Ấn ĐH.Truyền Thống (In lụa-In đá): Nội dung môn học In lụa bao gồm:
- Sau khi kết thúc buổi giảng đề đầu tiên, giới thiệu tổng quan về kĩ thuật in lụa, các bạn sinh viên bắt đầu lên ý tưởng và thiết kế bản in thông qua sự tư vấn và góp ý về màu sắc, bố cục, quy cách thực hiện của giảng viên bộ môn.
- Sinh viên tiến hành thực hiện kĩ thuật chụp bản in và kéo lụa thông qua sự giám sát của giảng viên hướng dẫn. Sinh viên thực hiện in lụa trên 2 chất liệu vải và giấy. Mỗi ấn phẩm được ghi chép lại quy trình thực hiện, thuận lợi và khó khăn, bản in được trình bày sạch sẽ, không tẩy xóa.

Thiết kế Poster quảng cáo:
Khái niệm về các thể loại poster. Giới thiệu sơ lược lịch sử hình thành thể loại poster quảng cáo.Vai trò của poster quảng cáo với sự phát triển của doanh nghiệp và thương trường. Các yếu tố về thị trường có liên quan và tác động đến thiết kế poster.
Một số phương pháp tư duy để tìm kiếm và phát triển ý tưởng. Giới thiệu một số phong cách thiết kế. Những điểm cần chú ý trong quá trình thiết kế poster quảng cáo (bố cục, màu sắc, typography…).
Thực hành thiết kế ứng dụng cho hệ thống poster quảng cáo sản phẩm.

Anh văn 7: Môn học cung cấp kiến thức và kĩ năng Tiếng Anh học thuật trình độ Trên Trung Cao Cấp:
Kiến thức cơ bản: Luyện tập 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết sử dụng: Từ vựng cơ bản: môi trường, địa lý, lịch sử, nghệ thuật, trẻ em và gia đình, kiến trúc, ...
Dạng bài IELTS cơ bản: chọn câu đúng, kết nối thông tin, nhận định thông tin, miêu tả sơ đồ, ...
Kiến thức nâng cao: Từ vựng nâng cao: thể thao, sức khỏe, kinh doanh, năng lượng, truyền thông… Dạng bài IELTS nâng cao: hoàn tất câu, viết các bài văn ngắn mang tính chất học thuật, ...
Kiến thức/kỹ năng mở rộng: thuyết trình, làm việc nhóm, sáng tạo, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề. 

Pháp luật đại cương: Môn học trình bày các vấn đề sau đây: Những vấn đề cơ bản về Nhà nước; Những vấn đề cơ bản về pháp luật; Luật Hiến pháp Việt Nam; Luật Hành chính và Tố tụng hành chính; Luật Hình sự và Tố tụng hình sự Việt Nam; Luật Dân sự và Tố tụng dân sự; Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam; Luật Lao động và Luật An sinh xã hội Việt Nam; Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại và giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại; Luật Đất đai Việt Nam; Luật Phòng, chống tham nhũng Việt Nam và Luật Quốc tế.

Cơ sở văn hóa Việt Nam: Khái luận chung về văn hóa học và văn hóa Việt Nam, những tri thức khái quát về hệ thống văn hóa Việt Nam: không gian văn hóa, tiến trình văn hóa, chủ thể văn hoá, văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể.

Nghiên cứu vốn cổ dân tộc: Môn học cung cấp các kiến thức lý thuyết về định nghĩa Vốn cổ là gì? các nguồn tư liệu tiếp cận.
Phương pháp nghiên cứu, kỹ năng làm việc thực tế tại công trình
Tiêu chuẩn lưu trữ tư liệu nghiên cứu vốn cổ dân tộc.
Vai trò và giá trị vốn cổ dân tộc trong thiết kế sản phẩm ứng dụng hiện đại
Phương pháp phối hợp công cụ phần mềm đồ họa, vận dụng các lý thuyết thẩm mỹ để thể hiện được một bộ hoa văn hoạ tiết ứng dụng được trong thực tế.
Song song đó, môn học tích hợp giảng dạy các kỹ năng tư duy giải quyết vấn đề như phân tích, đánh giá hệ thống thẩm mỹ của họa tiết.
Điền dã - báo cáo và giai đoạn thể hiện

Kỹ Thuật và Vật liệu In: Môn học nhằm giảng dạy cho sinh viên kiến thức về công nghệ, phương pháp in ấn hiện nay, các qui trình ngành in từ thiết kế, in ấn, các công đoạn hoàn thành sản phẩm sau in. Môn học nhằm rèn luyện kỹ năng nghiên cứu, phân tích, chọn lựa các vật liệu phù hợp với yêu cầu của sản phẩm thiết kế. Môn học hình thành cho sinh viên thái độ tích cực làm việc nhóm, ý thức về an toàn lao động, bảo vệ môi trường trong quá trình thiết kế và in ấn.

Thiết kế lịch: Giới thiệu chung về cấu tạo, thể loại, hình dạng và xu hướng Lịch những năm gần đây.
Sinh viên nghiên cứu thu thập đầy đủ thông tin phân tích ưu - nhược điểm của các bộ Lịch tham khảo trên thực tế thj trường
Thiết kế -Thực hiện – thành phẩm
Sinh viên có thể thiết kế hệ thống lịch bàn, lịch tường, lịch bloc…theo thế mạnh trong phong cách thiết kế đã chọn.
Quá trình sáng tạo xây dựng được một hệ thống họa tiết thành phần trang trí hợp lý, sáng tạo, ứng dụng và đa dạng.
Sinh viên khai thác yếu tố chữ và các thủ pháp typography.
Kỹ thuật thể hiện và trình bày phải ấn tượng và bắt mắt, khai thác được màu và hình ảnh của nội dung.
Các sản phẩm phải được thể hiện hoàn chỉnh

Luật sở hữu trí tuệ: Học phần giải quyết những lý luận cơ bản về sở hữu trí tuệ; những quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng; các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời nội dung học phần còn đề cập đến các quy định của các điều ước quốc tế về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đang có giá trị áp dụng trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay. 

Marketing chuyên ngành MTCN: Sinh viên vận dụng linh hoạt những kiến thức cơ bản về Marketing ứng dụng cho chuyên ngành Đồ họa. Qua quá trình thực hiện các bài tập nhóm thảo luận trên lớp, trên cơ sở lý thuyết về Marketing ứng dụng chuyên ngành Đồ họa các bạn phân tích, nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, hành vi tiêu dùng và các động thái khi mua sản phẩm để đưa vào thiết kế đồ họa phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu, định vị của sản phẩm.
Các khái niệm về lý thuyết Marketing cơ bản và Nghiên cứu thị trường; Các lý thuyết ứng dụng cho chuyên ngành Đồ họa: sáng tạo dị biệt, định vị nhãn hiệu, phân tích thị trường, hành vi tiêu dùng, động thái khách hàng và kế hoạch xây dựng nhãn hiệu.

Thiết kế báo, tạp chí: Môn học thiết kế Báo – Tạp chí cụ thể cho một lĩnh vực ngành nghề trong xã hội. Trong quá trình học tâp, sinh viên tìm hiểu về Qui trình của xuất bản, Khái niệm và các phương pháp thiết kế các thể loại layout, Cấu trúc và xu hướng thiết kế layout và Những nguyên tắc layout cần lưu ý. Các hoạt động luôn được tích hợp kiến thức và thực hành qua 2 giai đoạn với 2 bài tập lớn đó là:
Làm việc nhóm, Thuyết trình, Làm đồ án cuối môn

Nhận Diện Thương Hiệu: Môn học bao gồm 3 giai đoạn:
Khái quát về Hệ thống Nhận diện Thương hiệu, các hình thái Thương hiệu và Hệ thống Nhận diện Thương hiệu hiện đại.
Sinh viên nghiên cứu thu thập đầy đủ thông tin về lịch sử hình thành và phát triển của các Thương hiệu Việt, phân tích hình thái, ưu - nhược điểm của Hệ thống Nhận diện Thương hiệu của các Thương hiệu Việt.
Thực hành và hoàn thiện xây dựng chiến lược Tái thiết kế Hệ thống Nhận diện Thương hiệu cho một Thương hiệu Việt hiện hữu trên Thị trường hiện nay
Tiếp theo phần 1b, nhóm Sinh viên đề xuất chiến lược Đồ họa Tái thiết kế Hệ thống Nhận diện Thương hiệu cho Thương hiệu Việt đã phân tích ở trên.
Thực hành quy trình thiết kế Hệ thống Nhận diện Thương hiệu.

Môi trường- con người : Môn học được xây dựng dành cho sinh viên không chuyên về môi trường, giúp sinh viên lĩnh hội những kiến thức cơ bản về môi trường, mối quan hệ tương hỗ giữa con người và môi trường, cơ sở khoa học môi trường, nguyên nhân và hậu quả của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Nội dung môn học truyền tải trên cơ sở tự nghiên cứu của SV với sự hỗ trợ của GV về nội dung, lộ trình và phương pháp nghiên cứu. Các chủ đề nghiên cứu được phát triển trên cơ sở những nội dung: Một số khái niệm cơ bản về môi trường; Ô nhiễm môi trường và các tác động; Các tiếp cận trong bảo vệ môi trường; Giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thiết kế bền vững (Eco Design): nguyên tắc trong thiết kế bền vững; xây dựng nền tảng cốt lõi, điểm đặc trưng của xu hướng thiết kế bền vững và nắm bắt được sự liên kết của thiết kế bền vững trên mọi phạm vi chuyên ngành thiết kế khác nhau. Đồng thời phát triển kỹ năng vận dụng phương pháp tìm kiếm ý tưởng và kết hợp tư duy thiết kế bền vững như một phần của quá trình thiết kế để đạt được giải pháp thiết kế tối ưu. Bên cạnh đó, thông qua các bài tập giả lập dự án sinh viên có thể tham gia hợp tác với nhiều thành viên xây dựng tư duy phản biện cũng như kỹ năng diễn đạt và trình bày ý tưởng. Cuối cùng khoá học mong muốn trang bị cho Sinh viên thái độ và quan điểm nhìn nhận khách quan đến các vấn đề về môi trường nhằm cân nhắc hoặc điều chỉnh cách tư duy thiết kế phù hợp.

Thiết kế Đồ họa môi trường: Đồ họa môi trường cũng giống như nhiều lĩnh vực thiết kế khác, nó không chỉ đơn thuần, được tạo ra bởi hàng loạt các ứng dụng tiện ích khác nhau, nhằm hướng đến mục tiêu tối thượng phục vụ người dùng. Tuy nhiên, điểm nhấn quan trọng của thiết kế đồ họa môi trường, chính là làm thay đổi nhận thức trong tư duy thiết kế, nó không chỉ mang giá trị thương mại, hay phục vụ tiện ích người dùng, mà còn hướng tới xây dựng và phát triển cộng đồng bền vững, thỏa mãn nhu cầu đời sống an sinh xã hội. Vì vậy, ngoài những yêu cầu chung về thiết kế đồ họa cơ bản, người học cần được trang bị, cung cấp và bổ sung thêm, khối lượng kiến thức chuyên môn về thiết kế môi trường, bao gồm những nhân tố như; khí hậu, nguồn năng lượng, tài nguyên, vật liệu thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật, cũng như cách thức đánh giá và những quy định chung trong thiết kế, để từng bước tiến tới xây dựng, và phát triển ngành thiết kế đồ họa môi trường bền vững.

Chuyên đề III: KINH TẾ THỊ TRƯỜNG KHỞI NGHIỆP (Kỹ năng: xin việc / Quan hệ doanh nghiệp / Kinh tế - Kinh doanh (tiêu dùng, sản phẩm...): Sinh viên được học tập trao đổi các mô hình khởi nghiệp theo xu hướng mới. Tiếp cận được thị trường , ứng dụng hiệu quả kiến thức đã học vào trong thực tế. Sinh viên xây dựng cho dự án cá nhân hoặc nhóm nhỏ khởi nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chuyên môn. Sinh viên tiếp cận với thị trường thực tế và xử lý các tình huống thực tiễn.

Đồ hoạ chuyển động: Môn học bao gồm kiến thức lý thuyết về các yếu tố quan trọng trong đồ hoạ, chuyển động, animation, quảng cáo. Trong quá trình học tập, sinh viên vận dụng lý thuyết, khảo sát thực tế để chọn đề tài và thực hiện đồ án thiết kế đồ họa chuyển động cho một dự án thực tế. Bằng các hình thức đồ họa và kỹ thuật phần mềm công nghệ tạo các cụm đồ họa chuyển động theo một kịch bản và nội dung chủ đề mang tính sáng tạo và nghệ thuật, đảm bảo tính truyền thông và thẩm mỹ. Các hoạt động luôn được tích hợp kiến thức và Sinh viên thực hiện các đoạn chuyển động ngắn, giới thiệu nội dung, hoạt hình và hình hiệu cho các chương trình truyền hình hoặc các clip ngắn.

Thiết kế giao diện người dùng: là một lĩnh vực được phát triển khi Web 2.0 và Thương mại điện tử xuất hiện (2003) với mục đích giúp người dùng trao đổi trực tiếp với máy tính và các thiết bị điện tử khác thông qua các thành phần đồ họa như hình ảnh, thanh trượt, điều hướng... Nó còn đóng vai trò là đơn vị truyền tải thông điệp của nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm đến khách hàng để họ có thể xem, hiểu và sử dụng sản phẩm một cách hiệu quả, giúp tăng doanh thu và nâng cao hình ảnh thương hiệu. Môn học Thiết kế giao diện người dùng cung cấp cho sinh viên các khái niệm, nguyên tắc, quy trình thực hiện và xu hướng phát triển của lĩnh vực này. Sinh viên sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng để tạo ra một sản phẩm thực tế bằng các công cụ mới và phổ biến trên thị trường, sau khóa học có thể tham gia ngay vào các dự án thực tế tại các đơn vị thiết kế.  

Thiết kế Trải Nghiệm (experience design): Thiết kế đồ án trải nghiệm cho một dự án hay một đề tài đồ họa cho một môi trường sống. Vận dụng kỹ năng khảo sát tư duy phân tích, áp dụng các nguyên lý thiết kế vào mục tiêu trải nghiệm trong môi trường sống. Mục tiêu sinh viên phải trải nghiệm thực tế người dùng các sản phẩm thiết kế, đề xuất giải pháp thiết kế hợp lý và hiệu quả.

Thiết kế dịch vụ (service design): Đồ án thiết kế dịch vụ cho một dự án hay một đề tài đồ họa cho một hoạt động môi trường sống. Vận dụng kỹ năng khảo sát tư duy phân tích, áp dụng các nguyên lý thiết kế vào mục tiêu thiết kế dịch vụ trong môi trường sống. Mục tiêu sinh viên phải trải nghiệm thực tế một số loại hình dịch vụ và đưa ra yêu cầu thiết kế, đề xuất giải pháp thiết kế hợp lý và hiệu quả phục vụ cho sử dụng thuận tiện ấn tượng và hiệu quả.

Nghiên Cứu Chuyên ngành Đồ hoạ: Đồ họa môi trường cũng giống như nhiều lĩnh vực thiết kế khác,nó không chỉ đơn thuần, được tạo ra bởi hàng loạt các ứng dụng tiện ích khác nhau, nhằm hướng đến mục tiêu tối thượng phục vụ người dùng. Tuy nhiên, điểm nhấn quan trọng của thiết kế đồ họa môi trường, chính là làm thay đổi nhận thức trong tư duy thiết kế, nó không chỉ mang giá trị thương mại, hay phục vụ tiện ích người dùng, mà còn hướng tới xây dựng và phát triển cộng đồng bền vững, thỏa mãn nhu cầu đời sống an sinh xã hội. Vì vậy, ngoài những yêu cầu chung về thiết kế đồ họa cơ bản, người học cần được trang bị, cung cấp và bổ sung thêm, khối lượng kiến thức chuyên môn về thiết kế môi trường, bao gồm những nhân tố như; khí hậu, nguồn năng lượng, tài nguyên, vật liệu thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật, cũng như cách thức đánh giá và những quy định chung trong thiết kế, để từng bước tiến tới xây dựng, và phát triển ngành thiết kế đồ họa môi trường bền vững.

Đồ án tiền tốt nghiệp Đồ họa:

Học phần bao gồm:
Phần 1: Xác định cơ sở thiết kế - định hướng nội dung đề tài. Sinh viên làm việc với GVHD xác định cơ sở thiết kế, các phương pháp nghiên cứu khoa học nền tảng để nghiên cứu đề tài và xây dựng nội dung cho đề tài.
Phần 2: Triển khai thiết kế - Xây dựng phương án thiết kế - xác định phong cách thể hiện phù hợp với nội dung. Sinh viên nghiên cứu phong cách thiết kế, xác định định hướng thiết kế và xây dựng phong cách thiết cá nhân phù hợp với nội dung đã xác định.
Phần 3: Hoàn thiện hệ thống thiết kế và thực hiện sản phẩm hoàn chỉnh cho hệ thống trình bày. Xây dựng phương án trình bày, không gian giới thiệu đồ án, thực hiện sản xuất sản phẩm thực trên cơ sở nghiên cứu và phát triển

Đồ án Tốt nghiệp
Sinh viên được hướng dẫn tìm kiếm ý tưởng thiết kế một hệ thống đồ án và ứng dụng kiến thức tổng hợp của bốn năm học để chuyển tải chủ đề, các thông điệp mong muốn bằng các thể loại đồ hoạ thích hợp.
Sinh viên được rèn luyện kỹ năng xây dựng hồ sơ thiết kế bao gồm nghiên cứu, phân tích, định hướng thiết kế, phác thảo, thể hiện và gia công các thể loại đồ hoạ cùng với một kế hoạch làm việc khoa học, phù hợp đảm bảo tiến độ theo qui định của nhà trường. Đồ án môn học có các yêu cầu sau
- Xác định cơ sở thiết kế - định hướng nội dung đề tài. Sinh viên làm việc với GVHD xác định cơ sở thiết kế và xây dựng nội dung cho đề tài
- Triển khai thiết kế - Xây dựng phương án thiết kế - xác định phong cách thể hiện phù hợp với nội dung. Sinh viên nghiên cứu phong cách thiết kế, xây dựng phong cách thiết cá nhân phù hợp với nội dung đã xác định.
- Hoàn thiện hệ thống thiết kế và thực hiện sản phẩm hoàn chỉnh cho hệ thống trình bày. Xây dựng phương án trình bày, không gian giới thiệu đồ án, thực hiện sản xuất sản phẩm thực trên cơ sở nghiên cứu và phát triển

Phụ lục II: Bản đặc tả môn học (đề cương chi tiết) của các môn học trong chương trình

Các bản đặc tả môn học (đề cương chi tiết) theo mẫu của nhà trường thiết lập dựa trên các tiêu chuẩn kiểm định khu vực và quốc tế

-----------------------------------------

Bản đặc tả chương trình đào tạo K26

Phần A. Thông tin cơ bản/Tuyển sinh

Phần B. Thông tin chi tiết về chương trình

Phần C. Dạy và học chương trình

Phần D. Điều kiện của chương trình

Phần E. Điều chỉnh và cập nhật

Phụ lục