Dệt Dzèng – nghề mang đậm bản sắc văn hóa người Tà Ôi


Với mong muốn góp phần cải thiện nghề dệt Dzèng ở địa phương, Ngành Thiết kế Thời trang, Đại học Văn Lang đã lên kế hoạch tổ chức “Hỗ trợ kỹ năng nghề may cho đồng bào Tà Ôi”, dự án trao tặng các nguyên vật liệu, công cụ, thiết bị ngành may, hướng dẫn sử dụng thiết bị và hướng dẫn thực hiện các mẫu mã mới cho các nghệ nhân dệt Dzèng.
Một trong các hoạt động của chương trình “Hỗ trợ kỹ năng nghề may cho đồng bào Tà Ôi” – Ảnh: Anh Tuấn , Tô Sáng.

Huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế là “cái nôi” của nghề dệt Dzèng – làng nghề vải thổ cẩm truyền thống lâu đời của người dân đồng bào Tà Ôi. Dzèng được dệt thủ công một cách tỉ mỉ bởi những người thợ ở địa phương.

Vải Dzèng không chỉ thể hiện tài hoa của người thợ dệt, mà còn “chuyên chở” trong đó đời sống tinh thần, tâm linh và tư tưởng thẩm mỹ của đồng bào Tà Ôi. Ngoài việc sử dụng vải Dzèng vào trang phục hay như một vật phẩm trao đổi mua bán có giá trị, tấm Dzèng còn xuất hiện trong các nghi thức truyền thống của người Tà Ôi như lễ dâng Dzèng, lễ đính hôn,… Năm 2016, nghề dệt Dzèng ở A Lưới đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Trong 5 năm trở lại đây, ngành Ngành Thiết Kế Thời Trang, Đại học Văn Lang thường niên tổ chức chuyến đi thực tế, tạo điều kiện cho các bạn sinh viên có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu và nghiên cứu về văn hóa, trang phục, hoa văn vốn cổ trên Dzèng của đồng bào người Tà Ôi. Lồng ghép trong chuyến đi, với mong muốn đáp lại lòng hiếu khách, mang đến những giá trị tích cực tới cộng đồng, tập thể giảng viên và sinh viên đã cùng chung tay tổ chức Worskshop.

Nhận thấy người dân thiếu kỹ năng ứng dụng Dzèng vào các sản phẩm mới cũng như tiềm năng bảo tồn và phát triển nghề dệt Dzèng của địa phương gặp nhiều hạn chế do đặc điểm dân cư thưa thớt, thiếu thốn về nguyên vật liệu, công cụ và thiết bị; với mong muốn góp phần cải thiện nghề dệt Dzèng ở địa phương, ngành Thiết kế Thời trang, Đại học Văn Lang đã lên kế hoạch tổ chức “Hỗ trợ kỹ năng nghề may cho đồng bào Tà Ôi”. Dự án trao tặng các nguyên vật liệu, công cụ, thiết bị ngành may, hướng dẫn sử dụng thiết bị và hướng dẫn thực hiện các mẫu mã mới cho các nghệ nhân dệt Dzèng.

Sau một thời gian kêu gọi, ngành thiết kế thời trang đã may mắn nhận được sự tài trợ Cty TNHH Zeng Hsing Industrial và sự giúp đỡ từ các đơn vị liên quan. Hỗ trợ công cụ và kỹ năng cắt may để người dân địa phương ở hai hợp tác xã dệt, may thổ cẩm xã Quảng Nhâm có thể sản xuất đa dạng và phong phú các loại sản phẩm liên quan đến vải Dzèng. Dịp này, Công ty TNHH Zeng Hsing Industrial trao tặng máy may cho 2 hợp tác xã dệt, may thổ cẩm xã Quảng Nhâm.

Nghề dệt Dzèng ở huyện miền núi A Lưới, Thừa Thiên Huế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia – Ảnh: Anh Tuấn, Tô Sáng.

Trong tất cả các ngành nghề truyền thống của các tộc miền núi ở A Lưới thì nghề dệt Dzèng của người Tà Ôi ra đời sớm và hiện đang được duy trì và phát huy.

Những tấm Dzèng là lễ vật không thể thiếu trong các sinh hoạt cộng đồng, mọi người trong làng đến với lễ hội hay những sự kiện quan trọng bằng Dzèng và những trang phục được làm nên từ Dzèng, làm nên nét đặc trưng riêng biệt của người Tà Ôi nói riêng cũng như đồng bào các dân tộc miền núi ở A Lưới nói chung.

Các đơn vị tài trợ thiết bị để phát triển nghề dệt Dzèng của địa phương A Lưới – Ảnh: Anh Tuấn, Tô Sáng.

Để tạo nên một tấm Dzèng đẹp, ngoài giá trị từ các nguyên liệu, bao gồm sợi vải, hạt cườm và lục lạc, còn có sự góp sức của những bàn tay khéo léo của người phụ nữa Tà Ôi, sự nhẹ nhàng uyển chuyển trên khung dệt hay tỉ mỉ, chăm chút trong việc đính cườm đều góp phần tạo nên những hệ hoa văn độc đáo.

Mỗi sản phẩm dệt Dèng có giá trị về nhiều mặt, nó vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, phục vụ cuộc sống, vừa là của cải, thể hiện sự ấm no, giàu có và hơn thế nữa, nó còn là những tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng nhiều tinh hoa, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa tộc người Tà Ôi.

Theo Tạp chí Điện tử Sinh thái Nông nghiệp